Theo dự kiến, vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam sẽ hoàn thành và được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2024, đầu năm 2025…
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023, do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức chiều ngày 19/1/2023.
Để thực hiện được kế hoạch này, trong năm 2023, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã bám sát tiến độ thực hiện dự án phát triển vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam.
Dự kiến, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo và có thời gian hoạt động 5 năm trên quỹ đạo.
Theo lộ trình, tháng 9/2024, toàn bộ hệ thống mặt đất phục vụ việc chuẩn bị vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện trên Trung tâm vũ trụ Việt Nam (tại Hòa Lạc). Khi đó, toàn bộ hệ thống Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cơ sở Hòa Lạc sẽ đi vào vận hành, sẵn sàng đón nhận những tín hiệu đầu tiên của vệ tinh.
Theo TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng. “Chúng tôi kỳ vọng vào dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này sẽ đóng góp quan trọng cho Việt Nam, trong điều kiện môi trường khí hậu có nhiều mây”, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nói.
Bên cạnh phát triển vệ tinh, Trung tâm cũng chuẩn bị các lớp học, chuyển giao công nghệ xử lý ảnh vệ tinh radar; chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, nhân lực để khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, các dữ liệu sẽ được khai thác hiệu quả, phục vụ cho các đơn vị sử dụng dữ liệu ảnh của vệ tinh này trong tương lai.
Theo Trung tâm vũ trụ Việt Nam, LOTUSat-1 là vệ tinh quan sát trái đất với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp (SAR). Dữ liệu ảnh của vệ tinh sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời nhằm ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Vệ tinh dự kiến cung cấp ảnh ở 3 chế độ chụp điểm, chụp dải và chụp quét, với độ phân giải không gian lần lượt bằng hoặc nhỏ hơn 1m, bằng hoặc nhỏ hơn 2m và bằng hoặc nhỏ hơn 16m.
Thông tin thêm về phát triển công nghệ vũ trụ cũng như hiệu quả hoạt động của vệ tinh VNREDSat-1 được phóng thành công tháng 5/2013, TS. Ngô Duy Tân, Phó Viện trưởng viện Công nghệ vũ trụ, cho biết đến nay, vệ tinh VNREDSat-1 đã hoạt động trên quỹ đạo gần 11 năm. Đây là một thành công lớn so với mặt bằng chung trong khu vực cũng như trên thế giới.
VNREDSat-1 là hệ thống viễn thám hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam từ trạm thu ảnh mặt đất tới vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo.
Sau hơn 10 năm hoạt động, vệ tinh VNREDSat-1 được đánh giá cao về khả năng hoạt động, và vệ tinh đã chụp, truyền về mặt đất gần 160 nghìn cảnh ảnh, kích thước 17,5km x 17,5km trên các vùng lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và trên toàn thế giới.
Điều này đem lại sự chủ động hoàn toàn trong công tác giám sát từ xa tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác giám sát và khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, góp phần tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ vũ trụ cũng như an ninh quốc phòng; hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Các dữ liệu này đã được chia sẻ, trao đổi và sử dụng kịp thời, hiệu quả cho các đơn vị sử dụng, cũng như cộng đồng nghiên cứu.
Phó Viện trưởng viện Công nghệ vũ trụ nhấn mạnh, sau thời gian vận hành, khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1, những hiệu quả mang lại đã khẳng định nhu cầu, giá trị quan trọng và cấp thiết về nguồn dữ liệu chủ động để quan sát trái đất của Việt Nam, phục vụ cho các mục đích giám sát tài nguyên thiên, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo chủ quyền cả trên bộ, trên không, lãnh hải.
Sự kiện vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 được phóng thành công lên quỹ đạo là dấu mốc quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.
Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Tuấn Anh cho biết năm 2023, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố 2.211 công trình khoa học, gồm 1.738 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế. Số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao đạt 1.379 công trình, chiếm tỉ lệ 79%. So với các năm gần đây, chất lượng và số lượng của các công trình công bố tăng lên, trong bối cảnh số lượng cán bộ nghiên cứu giảm vì tinh giản biên chế.
Về nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ, năm 2023, Viện đã được cấp 76 bằng độc quyền phát minh sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích; trong đó có 3 bằng độc quyền sáng chế quốc tế.
Ngoài ra, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã chủ động tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài hợp tác địa phương. Các kết quả nghiên cứu đều có tính ứng dụng thiết thực và được chuyển giao cho địa phương, thu hút được sự đầu tư kinh phí đáng kể, điển hình như ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn trong phần mềm dịch ngôn ngữ hiếm của Viện Công nghệ thông tin; công nghệ sơn chống cháy của Viện Khoa học vật liệu; công nghệ sơn phản xạ nhiệt của Viện Kỹ thuật nhiệt đới; ứng dụng công nghệ sinh học vào trong ngành nông nghiệp, thủy sản như lai tạo thành công đàn cá nemo có giá trị cao trong ngành sinh vật cảnh trong nước và xuất khẩu, lại tạo bê lai F1, và tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân… Năm 2023, các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 718 hợp đồng khoa học công nghệ.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có nhiều biện pháp sáng tạo và đồng bộ để thúc đẩy việc thương mại hóa các công trình khoa học. Do đó, các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ của Viện trong năm qua có giá trị lên tới 330 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2022.
Nguồn: vneconomy.vn