Xây dựng hạ tầng công nghiệp hiện đại với nhiều mô hình mới, gắn với logistics và cảng biển lớn Cần Giờ – kế hoạch đồng bộ này sẽ giúp sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa tại TP.HCM được vận hành nhịp nhàng, thuận tiện hơn…
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án “Phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2020-2045”, nhằm đánh giá tổng quan hiện trạng hạ tầng công nghiệp và cơ hội phát triển hạ tầng công nghiệp; cụ thể hóa định hướng phát triển hạ tầng công nghiệp trong đề án “Phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM 2020-2045” vào nội dung đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”.
Kế hoạch đề ra các nội dung thực hiện, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hiện trạng, định hướng cơ hội phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM. Thời gian thực hiện là quý 2/2024; Xây dựng báo cáo chuyên đề về nhận định nhu cầu, cơ hội và định hướng phát triển hạ tầng công nghiệp. Thời gian thực hiện là quý 2/2024; Triển khai định hướng phát triển hạ tầng công nghiệp trong nội dung đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” và báo cáo kết quả hoàn thành công tác triển khai đề án. Thời gian thực hiện từ quý 3/2024 đến quý 2/2025 (theo tiến độ lập đồ án).
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung công việc của kế hoạch này, báo cáo tiến độ và kết quả về UBND thành phố. Chịu trách nhiệm về quản lý thực hiện kế hoạch, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các nội dung được giao trong kế hoạch này trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.
Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND thành phố bố trí dự toán kinh phí để thực hiện kế hoạch này theo quy định.
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung đề xuất trong kế hoạch nhằm đảm bảo chất lượng, đồng bộ, tiết kiệm và hiệu quả.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ về kết quả thực hiện đề án “Phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2020-2045”.
Cụ thể, công tác rà soát nhằm xác định vị trí, thống kê diện tích sản xuất để nắm bắt được nhu cầu sản xuất thực tế, từ đó có cơ sở đề xuất quỹ đất phát triển công nghiệp trong tương lai. Đây cũng là cơ sở định hướng cho sự phát triển hạ tầng của các huyện trên địa bàn TP.HCM trong đề án “Chuyển huyện thành quận”.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương bổ sung khu công nghiệp Phạm Văn Hai; quy hoạch nhằm thúc đẩy việc sớm thành lập và đưa vào khai thác sử dụng các khu công nghiệp như: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc 3.
Nghiên cứu các mô hình công nghiệp của các đô thị có điều kiện tương đồng trên thế giới, đề xuất các giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển, bổ sung các chức năng mới cho khu công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp theo xu thế chung của thế giới, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm.
Phối hợp trong quản lý quy hoạch, lập và điều chỉnh quy hoạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, tăng cường kết nối cửa khẩu Mộc Bài đến huyện Củ Chi, Hóc Môn, đẩy mạnh giao thương công nghiệp với các tỉnh phía Bắc và thông qua cửa khẩu quốc tế Mộc bài, kết nối với Campuchia và Đông Nam Á.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở thuộc các khu cụm công nghiệp thuộc nội dung đề án “Phát triển hạ tầng công nghiệp”; tích hợp quản lý công nghiệp trong đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM”.
Nghiên cứu, bổ sung Cảng trung chuyển Cần Giờ vào nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060…
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, việc triển khai cụ thể hóa nội dung đề án, trong đó ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cho khu – cụm công nghiệp, đồng thời đặc biệt lưu ý mô hình chuyển đổi, phát triển các cơ sở sản xuất riêng lẻ trên địa bàn TP.HCM.
Đối với các khu công nghiệp mới, Nhà nước cần phân bổ vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khu – cụm công nghiệp, sau đó mời gọi nhà đầu tư hạ tầng. Việc thay đổi cách làm này có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch, TP.HCM luôn chủ động, sẵn sàng có quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư lớn.
Theo phân kỳ thực hiện đề án, năm 2020-2025 là thực hiện giai đoạn 1 của đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo hướng khai thác kinh tế dịch vụ, thương mại gắn với chức năng công nghiệp, dịch vụ vùng kinh tế biển, định hướng đúng vai trò quốc tế và khu vực của TPHCM.
Năm 2025-2045: thực hiện giai đoạn 2 xây dựng hệ thống kho bãi, logistics, tổ chức tích hợp trong quy hoạch, bố trí các địa điểm bãi tập trung, hệ thống logistics hạ tầng và vùng công nghiệp sản xuất, lưu trữ, lưu thông hàng hóa.
Nguồn: vneconomy.vn