Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 đầu năm 2023, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, trung bình các thương vụ đạt giá trị 54,5 triệu USD.
Trong đó, thương vụ M&A lớn nhất gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) mua 15% cổ phần VPBank (1,4 tỷ USD); ESR Group mua cổ phần chiến lược BW Industrial (450 triệu USD); Thomson Medical Group (mua kiểm soát bệnh viện Pháp Việt (381 triệu USD); Gamuda Land mua Tâm Lực (316 triệu USD) và Bain Capital rót ít nhất 200 triệu USD vào Masan.
Ba lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là tài chính, bất động sản và y tế, chiếm tỷ lệ lần lượt 47%, 23% và 10%.
Nhà đầu tư nước ngoài dẫn dắt dòng vốn thời gian qua, với sự trở lại mạnh mẽ của Nhật Bản (1,6 tỷ USD). Tiếp đến là Singapore (1,1 tỷ USD), Mỹ (472 triệu USD), Malaysia (316 triệu USD) và Thái Lan (262 triệu USD).
Tuy nhiên, báo cáo của KPMG cũng chỉ ra so với cùng kỳ năm trước, giá trị thị trường M&A đã giảm 23%. Điều này cho thấy, kinh tế toàn cầu khó khăn khiến các nhà đầu tư phải có chiến lược phòng thủ, chờ đợi cơ hội và tiềm lực tài chính để chuẩn bị cho năm 2024.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 năm 2023, các chuyên gia nhận định, giá trị các thương vụ của thị trường M&A tại Việt Nam giảm do hưởng thị trường M&A trên toàn cầu. Nguyên nhân chính do tình hình nền kinh tế toàn cầu khó khăn, nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị suy yếu. Riêng thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á cũng cho thấy, mặc dù có sự ổn định nhưng tổng số vốn IPO huy động chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia thông tin, năm 2023, hoạt động M&A và giá trị giao dịch toàn cầu bị đình trệ khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới, cùng với tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng, đã và đang ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, phần nào khiến họ thận trọng hơn.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, dẫn đến lãi suất tăng cao, cũng đã tác động đến các thị trường mới nổi, khiến việc tiến hành các giao dịch trở nên đắt đỏ hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến chất cũng như lượng giao dịch trên thị trường.
Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt, đồng thời lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. Những điều kiện bất lợi này cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022 đã khiến những công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết.
Hiện Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế và nhiều chủ trương nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024. Điều này cho thấy, khi thị trường khó khăn, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tiến hành hoạt động M&A, cũng có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.
Theo đánh giá của ông Warrick Cleine, nhìn chung, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động; trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng xanh, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam ở vai trò bên mua. Động lực tăng trưởng M&A năm 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại, lạm phát được kiểm soát và nợ công vẫn dưới trần pháp lý. Đó là những nền tảng cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.
Nguồn: vietnamfinance.vn