Các nhà đầu tư đánh giá, An Giang là địa điểm lý tưởng để đầu tư ngành nông nghiệp và năng lượng vì có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Ngày 26/11, tại TP. HCM, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, An Giang có 3 thế mạnh nổi bật là nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản); du lịch và dịch vụ (khu du lịch sinh thái Chùa Bà Chúa Xứ, Núi Sam, Núi Cấm), và kinh tế biên mậu (công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc để thu hút nhà đầu tư đến An Giang, tỉnh cần thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược.
Thứ nhất, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, du lịch, logistics …
Thứ hai, tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc – Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên – Châu Đốc – An Phú – Tân Châu (Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
“Với tiềm năng, thế mạnh, sự đồng hành của Chính phủ, tỉnh An Giang với vị trí khá đặc biệt, nhiều tiềm năng, thế mạnh và lợi thế cạnh tranh sẽ trở nên hấp dẫn nhà đầu tư và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư chiến lược” Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Tại hội nghị UBND tỉnh An Giang giới thiệu 32 dự án trọng điểm đủ điều kiện pháp lý để mời gọi đầu tư và danh mục 68 dự án tiềm năng ưu tiên mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, xử lý môi trường.
Về phía nhà đầu tư, ông Rajib Gupta, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ (Incham), đánh giá tỉnh An Giang có vị trí địa lý gần Campuchia và các cửa khẩu quốc tế như Tịnh Biên và Vĩnh Xương nên rất thuận lợi trong việc xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Mặt khác, tỉnh có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, ngành nuôi trồng thủy sản phát triển và tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Nơi đây là địa điểm lý tưởng đầu tư các ngành chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững.
Ông cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào phía Nam các ngành nghề như năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, dược phẩm, công nghệ thông tin, dệt may.
Để thu hút các doanh nghiệp Ấn Độ đến An Giang đầu tư, ông Rajib Gupta đề xuất, chính quyền tỉnh cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tạo môi trường đầu tư cạnh tranh và thân thiện hơn.
“Chúng tôi tin rằng An Giang có thể thu hút thêm các nhà đầu tư Ấn Độ bằng cách đề xuất một kế hoạch xúc tiến đầu tư rõ ràng và cụ thể. Kế hoạch này bao gồm, tổ chức các diễn đàn đầu tư theo ngành tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng cao như chế biến nông sản và năng lượng tái tạo. Cách tiếp cận chủ động này sẽ xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư Ấn Độ khi đến An Giang đầu tư ” ông Rajib Gupta đề xuất.
Đối với các nhà đầu tư trong nước, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh An Giang có nhiều dự án bất động sản được doanh nghiệp quan tâm.
Tuy nhiên, vấn đề mà doanh nghiệp bất động sản lo ngại nhất chính là thủ tục đầu tư kéo dài. Ông Châu đề xuất, UBND tỉnh An Giang cần rút ngắn thủ tục đầu tư, bởi vì việc rút ngắn thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp.
Trước đông đảo các nhà đầu tư, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cam kết, tỉnh sẽ xem xét xử lý các vấn đề về thủ tục hành chính mà doanh nghiệp nêu ra. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kỳ vọng, sau hội nghị không chỉ dừng lại ở việc ký kết mà sớm hiện thực các bước đầu tư. “Nhà đầu tư đã sẵn sàng, phần còn lại là trách nhiệm của tỉnh để không phụ lòng nhà đầu tư” ông Mừng khẳng định.
Tại hội nghị, UBND tỉnh An Giang đã trao biên bản thỏa thuận hợp tác cho 13 doanh nghiệp quan tâm khảo sát đầu tư vào các lĩnh vực gồm: nông nghiệp, bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, xử lý môi trường…