Với tiềm năng còn rộng mở, cùng quyết tâm của hệ thống chính quyền và sự đồng thuận hỗ trợ, hợp tác của nhà đầu tư, doanh nghiệp, Bạc Liêu tự tin phát triển trở thành tỉnh khá của vùng và cả nước.
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Khí hậu ôn hòa, đất đai bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, lại có vị trí giáp biển với 3 vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là trong trong lĩnh vực nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là con tôm và trọng tâm là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuyên về tôm duy nhất cả nước.
Bạc Liêu còn là trung tâm năng lượng tái tạo, với 8 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động, tổng công suất 469,2 MW (đứng thứ 3 trên cả nước).
Tỉnh cũng có nhiều thế mạnh trong phát triển du lịch với các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Phật bà Nam Hải, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió trên biển… Vị trí nằm giữa các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng – khu vực có dân số khá đông và đang phát triển với tốc độ cao cũng là cơ hội để Bạc Liêu phát triển các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, nhất là y tế, giáo dục chất lượng cao.
Trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ (1A, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu). Đặc biệt, tuyến cao tốc Bạc Liêu – Hậu Giang – Hà Tiên nối cửa khẩu Xà Xía qua Campuchia đã được quy hoạch, sẽ giúp mở rộng giao thương biên giới với các nước Đông Nam Á.
Hệ thống giao thông thủy gồm 23 tuyến kênh, giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đi cả nước và quốc tế thuận tiện. Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì cảng biển tại Bạc Liêu thuộc cảng biển loại 3, được quy hoạch vào nhóm cảng biển số 5. Theo đó, đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 64 đến 80 triệu tấn (hàng container từ 0,6 đến 0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1 đến 6,2 triệu lượt.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế nêu trên, con người Bạc Liêu với tính cách phóng khoáng, nghĩa tình đậm chất Nam bộ, với khát khao vượt qua khó khăn, năng động vươn lên làm giàu, cộng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành quyết tâm chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, Bạc Liêu chắc chắn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn và mang lại nhiều lợi ích bền vững cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thu hút đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện với môi trường và giải quyết nhiều việc làm cho lao động tại địa phương. Tỉnh định hướng lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; đồng thời cũng chú trọng các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.
Điểm sáng phát triển kinh tế Bạc Liêu
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản tiếp tục phát triển, cùng với việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm đã mở ra hướng sản xuất hiệu quả và bền vững cho Bạc Liêu. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được áp dụng, như nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP…
Thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, đến nay, tỉnh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) với quy mô 418,91 ha, tổng vốn đầu tư 3.217 tỷ đồng, lớn nhất Đông Nam Á. Tỉnh đã lựa chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này và đang khởi công xây dựng giai đoạn II.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để Bạc Liêu thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và công nghệ cao vào sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển ngành tôm của tỉnh, bán đảo Cà Mau, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Về công nghiệp – xây dựng, Bạc Liêu có nguồn nguyên liệu nông, thủy sản rất dồi dào, là thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Đặc biệt, Bạc Liêu rất giàu tiềm năng triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời. Tỉnh có đường bờ biển dài hơn 56 km; vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7 m/s, quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.518,9 giờ/năm. Theo Quy hoạch Phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, tổng công suất tiềm năng về điện gió của tỉnh lên đến 3.500 MW.
Bạc Liêu đang từng bước xây dựng để trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của đất nước. 8 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, phát điện lên lưới quốc gia với tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh, giúp giảm phát thải gần 1,7 triệu tấn CO2, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội – quốc phòng – an ninh rất rõ ràng, nhất là tăng nguồn điện sạch. Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; hằng năm tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh khoảng 450 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 dự án nhà máy điện gió (tổng công suất 191 MW) và đang trình bổ sung quy hoạch 17 dự án điện gió.
Bạc Liêu đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. Tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu (công suất gần 3.200 MW, vốn đầu tư 4 tỷ USD), đã được bổ sung vào Quy hoạch. Hiện nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổng hợp trình Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch các dự án nguồn điện với tổng công suất 9.340,6 MW (7.810,6 MW điện gió; 1.500 MW điện mặt trời; 30 MW điện sinh khối) và lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt.
Đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có chuyển biến tích cực. Các sản phẩm công nghiệp đều tăng: thủy sản đông lạnh xuất khẩu đạt 101.842 tấn; điện thương phẩm đạt 1.146,17 triệu kWh; bia đạt 26,13 triệu lít… Thành phố, thị xã và trung tâm các huyện trong tỉnh đang trong quá trình đô thị hóa. Hạ tầng đô thị, nhiều khu dân cư, trung tâm thương mại, các khu – cụm công nghiệp… đang dần hình thành, kéo theo ngành công nghiệp xây dựng phát triển, cũng là những lĩnh vực để mời gọi đầu tư.
Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2022, Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) – PAR Index của Bạc Liêu nằm trong nhóm các tỉnh được xếp loại tốt đạt trên 80%, với 83,41/100 điểm. Có 2/7 chỉ số thành phần là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được cải thiện; 5/7 chỉ số thành phần chưa được cải thiện, như cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu đạt 81,19%, với 8,23/10 điểm, xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 9 bậc so với năm 2021.
Đặc biệt, với Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, tỉnh Bạc Liêu đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước, đạt 44,91/80 điểm, xếp hạng 6/63, tăng 0,58 điểm và tăng 5 bậc so với năm 2021.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Bạc Liêu cho biết, UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai, thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao thứ hạng PAPI, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành có liên quan tập trung đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát, công tác thông tin, tuyên truyền về chỉ số này đến cán bộ, công chức và người dân, từ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong việc cải thiện nâng cao thứ hạng của tỉnh.
Việc thực hiện tốt công tác CCHC đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bạc Liêu đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thu hút đầu tư nhiều hơn; tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới, tham gia đầu tư, triển khai thực hiện dự án ngày càng nhiều; thu ngân sách hàng năm theo kế hoạch và vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025, tiếp tục là tỉnh khá của vùng và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.