Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng về nguyên lý Thông tư 06 là cần thiết đối với ngành ngân hàng, song về mặt thực tiễn nên có những điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Một trong những văn bản quy phạm pháp luật gây ồn ào thời gian qua là Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Ngay từ khi ra đời, thông tư này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng doanh nghiệp, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải ngưng hiệu lực thi hành điểm 8, 9, 10 khoản 2, Điều 1 trước khi Thông tư 06 có hiệu lực.
Chưa dừng lại ở đó, vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (điểm c, khoản 6, Điều 1 Thông tư 06) là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật trên, đồng thời rà soát quá trình thực hiện Thông tư 06 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).
Xung quanh những ồn ào của Thông tư 06, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI:
– Thông tư 06 mới ban hành đã bị phản ứng, phải sửa bằng Thông tư 10, rồi lại bị kết luận là trái luật, phải sửa tiếp. Điều này dường như cho thấy chất lượng quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước có vấn đề, ông nghĩ sao?
Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng về nguyên lý bảo đảm an toàn, Ngân hàng Nhà nước đã làm đúng khi ban hành Thông tư 06. Nhiệm vụ bảo đảm an toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước quan trọng hơn nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, khi nhận thấy những rủi ro có thể đe dọa an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước tất yếu phải ban hành quy định để ngăn ngừa.
Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư 06 có mấy điều không phù hợp. Một là thời điểm không phù hợp, khi doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ thì lại tăng thêm quy định cấm. Hai là từ ngữ không chính xác và diễn đạt không rõ ràng, dẫn đến bị hiểu sai quy định và mới đây thì bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Do vậy, hệ quả là Thông tư 06 đã bị doanh nghiệp phản ứng dữ dội, dẫn đến phải ngưng thi hành ngay từ khi chưa kịp có hiệu lực.
– Ông nói câu chữ của Thông tư 06 không chính xác, có thể giải thích rõ hơn?
Lấy ngay điều khoản bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” để phân tích: “Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm” (điểm c, khoản 6, Điều 1), có thể thấy sai ở chữ “phong tỏa”.
Theo quy định tại Điều 12 về “Tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, thì “tạm khóa tài khoản” là theo ý chí của chủ tài khoản; còn “phong tỏa tài khoản” là không theo ý chí của chủ tài khoản.
Như vậy, trường hợp tiền vay được giải ngân vào tài khoản, thì tài khoản có thể bị phong tỏa khi có yêu cầu của cơ quan pháp luật chẳng hạn. Còn nếu “theo thỏa thuận của các bên” thì phải gọi là “tạm khóa tài khoản”, chứ không được phép phong tỏa (mặc dù về nghiệp vụ thì cũng tương tự nhau).
Thông tư đã dùng một từ “phong tỏa” cho cả hai trường hợp khác nhau, sau đó lại giải thích không rõ ràng, rốt cục là các tổ chức tín dụng cứ “đè ra” mà phong tỏa cả nhiều khoản tiền giản ngân không được phép phong tỏa và tạm khóa, vì sợ làm sai quy định.
– Như vậy, hướng sửa điều khoản này của Thông tư 06 sẽ như thế nào?
Với kết luận của Bộ Tư pháp thì việc Ngân hàng Nhà nước phải sửa điều khoản trên là bắt buộc. Tôi được biết, trước đó Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương sửa đổi, vì trước đây đã phải ngưng hiệu lực thi hành các điểm 8, 9, 10 khoản 2, Điều 1 rồi, giờ thêm ý kiến của Bộ Tư pháp thì cần sửa càng nhanh càng tốt.
Theo tôi, có 2 hướng sửa: Một là sửa cho rõ ràng, chính xác câu từ để đúng luật và không bị hiểu sai. Hai là bỏ đi, vì thực chất đó chỉ là một quy định “nhắc bài” để lưu ý ngân hàng tránh rủi ro. Thực tế là dù có quy định về việc “phong tỏa” như trên hay không, thì các tổ chức tín dụng vẫn phải làm đúng luật và đúng với yêu cầu quản lý rủi ro, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay như vậy thôi, vì đó là trách nhiệm, là sự an toàn của họ.
– Ngoài khoản 6, Điều 1 bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, các điểm 8, 9, 10 khoản 2, Điều 1 bị ngưng hiệu lực thi hành, Thông tư 06 còn có những quy định nào ông cho là chưa hợp lý?
Bản thân Thông tư 06 là để kiểm soát việc cho vay, đảm bảo an toàn cho các ngân hàng và hệ thống, vì thế các quy định là đúng về nguyên lý. Song về mặt thực tiễn, Ngân hàng Nhà nước có thể nên có những điều chỉnh về mức độ kiểm soát. Việc ngưng hiệu lực các điểm 8, 9,10 khoản 2 Điều 1 là một biểu hiện cho thấy thực tiễn hiện tại đòi hỏi một cơ chế có phần rộng mở hơn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn như hiện nay, thay vì lựa chọn đóng cửa cho an toàn. Dù không muốn thì vẫn phải chấp nhận. Tinh thần của Chính phủ xuyên suốt hơn 1 năm qua là vào cuộc quyết liệt, thực chất để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tinh thần này cần được các bộ, ban, ngành chung sức, vì lợi ích chung của nền người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Mặt khác, câu chuyện sửa chữa Thông tư 06 ngay từ khi mới ra đời cho thấy một vấn đề “kinh niên” trong công tác xây dựng luật pháp nước ta là cơ quan nhà nước cần phải lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, người dân, những đối tượng bị tác động trực tiếp, để ban hành văn bản quy phạm sao cho trúng và đúng hợp lý, có hiệu quả, tránh tình trạng rơi vào tình thế đẽo cày giữa đường như Thông tư 06.
– Ông có cho rằng cần tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp bất động sản không?
Về nguyên lý, ngân hàng phải đảm bảo an toàn, thấy rủi ro là phải phòng ngừa, bất động sản đang rủi ro thì phải kiểm soát để đảm bảo an toàn. Đây có phải là bắt buộc hay là sự phân phối, là ưu đãi đâu mà nói chuyện cho hay không cho. Nhưng về kỹ thuật kiểm soát, tôi cho rằng việc đưa ra các điều khoản như Thông tư 06 là một cách làm thiên về mệnh lệnh hành chính nên “lệch tông” với thực tiễn và vấp phải phản ứng của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cách thức khác để kiểm soát, ví dụ tăng dự phòng rủi ro với nhiều mức khác nhau như vẫn làm lâu nay với nhiều lĩnh vực.
Mặt khác, chính ngân hàng thương mại bây giờ cũng không dám cho vay bất động sản nhiều, cũng giật mình thon thót khi cho vay nhập nhèm, chưa nói là nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng không thể vay do không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết.
Tôi vẫn ủng hộ việc khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản, hỗ trợ chính sách để thị trường bất động sản được phục hồi và phát triển, vì sức ảnh hưởng và lan tỏa đối với nền kinh tế. Song tôi cũng nghiêng về giải pháp doanh nghiệp bất động sản tìm kiếm nguồn vốn chính trên các kênh phi ngân hàng, mà tiêu biểu là trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ cần phải gỡ vướng triệt để ở kênh trái phiếu để giảm tải cho kênh ngân hàng, nhất là khi các ngân hàng cũng đang trong trạng thái không hoàn toàn khỏe mạnh, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực và Luật Các tổ chức tín dụng đang sửa đổi với nhiều quan điểm. Bắt ép ngân hàng phải tăng cho vay trong tình cảnh rủi ro rất lớn, vậy lỡ xảy ra chuyện gì, ai sẽ chịu trách nhiệm. Không phải ngẫu nhiên Điều 7 về “Quyền tự chủ hoạt động”, Luật Các tổ chức tín dụng quy định: không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Nguồn: vietnamfinance.vn