Thị trường sản phẩm tài chính xanh còn dư địa và đứng trước cơ hội phát triển, nhất là khi nhu cầu vốn để thực hiện chuyển đổi xanh ngày càng lớn hơn.
Quỹ đầu tư ESG thêm tân binh
Eastspring Việt Nam – công ty quản lý quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam tính theo giá trị tài sản đang quản lý (AUM) – đang nhận đăng ký mua chứng chỉ quỹ từ các nhà đầu tư trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng đối với Quỹ đầu tư cổ phiếu ESG Eastspring Investments Việt Nam (EVESG). Đợt đăng ký bắt đầu từ ngày 9/8 dự kiến kéo dài muộn nhất đến ngày 28/10. Sẽ có tối thiểu 5 triệu đơn vị được bán ra không giới hạn số lượng tối đa, tương đương số vốn huy động tối thiểu 50 tỷ đồng.
“Bên cạnh việc tập trung vào yếu tố triển vọng tăng trưởng, nền tảng tài chính, Quỹ sẽ tích hợp thêm phân tích và đánh giá các yếu tố liên quan đến ESG (môi trường – xã hội – quản trị) trong quá trình ra quyết định đầu tư. Quỹ tin rằng, một công ty có chính sách quản trị rủi ro và nắm bắt cơ hội liên quan đến ESG sẽ tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp, từ đó mang lại lợi ích bền vững cho nhà đầu tư”, phía Eastspring Việt Nam chia sẻ về quy trình phân tích, đánh giá trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Như vậy, sau gần 2 năm, Việt Nam mới có thêm một quỹ đầu tư áp dụng đánh giá chuẩn mực ESG trong lựa chọn danh mục. Với sự xuất hiện của chứng chỉ quỹ EVESG trong tương lai gần, UVEEF – chứng chỉ quỹ thuộc quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam của Công ty cổ phần Quản lý quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) sẽ không còn “đơn độc” trên ngách sản phẩm này.
UVEEF là quỹ mở đầu tiên và duy nhất hiện tại áp dụng việc đánh giá chuẩn mực ESG song song. Quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được cấp giấy chứng nhận thành lập vào tháng 11/2022 và có giá trị danh mục đầu tư trên 410 tỷ đồng (theo cập nhật mới nhất).
Trước đó, từ năm 2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã chính thức giới thiệu Chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực thành ESG tốt nhất. Tuy nhiên, sau 7 năm, vẫn chưa có quỹ ETF lựa chọn tham chiếu theo chỉ số này.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã có một số thương vụ thành công như hai doanh nghiệp Việt Nam phát hành thành công trái phiếu xanh theo nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA, gồm EVNFinance với lô trái phiếu xanh trị giá 1.725 tỷ đồng và BIDV với số vốn huy động 2.500 tỷ đồng. Một số khác trước đây đã phát hành thành công trên thị trường quốc tế như Vinpearl (425 triệu USD), BIM Land (200 triệu USD)…
Còn trên kênh tín dụng, theo ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh thuộc FiinRatings, tín dụng xanh ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với tăng trưởng tín dụng chung. Tuy vậy, tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,32% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Tính chung trên các thị trường cổ phiếu, trái phiếu hay kênh tín dụng, quy mô các sản phẩm tài chính xanh, bền vững tại Việt Nam vẫn tương đối nhỏ so với khu vực. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện FiinRatings, điều này cho thấy, sản phẩm tài chính xanh còn nhiều dư địa phát triển.
Nỗ lực chung để thúc huy động vốn xanh
Thị trường sản phẩm tài chính xanh còn dư địa và đứng trước cơ hội phát triển, nhất là khi nhu cầu vốn lớn để thực hiện chuyển đổi xanh ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, như mọi dự án đầu tư, dù xanh hay không xanh, tự doanh nghiệp cần có sự chủ động và cân đối.
Với kinh nghiệm huy động nguồn vốn xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính The PAN Group chỉ ra 2 yếu tố mà doanh nghiệp cần chú ý. Đó là nguồn vốn chủ động, tức nếu doanh nghiệp phù hợp thì nguồn vốn sẽ tự chảy đến. Ngoài ra, muốn tiếp cận các định chế tài chính, doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định về phát triển bền vững, cũng như quản trị bền vững – điều mà đại diện The PAN Group cho rằng “doanh nghiệp Việt Nam đôi khi chưa có sẵn”.
Bên cạnh đó, một chính sách tạo cú hích cho thị trường cũng rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã đưa ra những sáng kiến khác nhau để thúc đẩy dòng vốn chảy vào các nơi thỏa mãn tiêu chí ESG. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan (SEC) đã đưa ra nhiều chính sách mới dành cho các quỹ đầu tư ESG vào đầu tháng 12/2023 và tiếp tục “ưu đãi” hơn nữa các điều kiện hồi cuối tháng 6 vừa qua, nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư.
Ưu đãi này bao gồm khấu trừ tới 300.000 baht từ hóa đơn thuế cùng việc cho phép các khoản đầu tư ESG duy trì trong ít nhất 5 năm sẽ được miễn thuế cho phần thu nhập từ lãi khi thực hiện giao dịch bán. Chính sách này nhanh chóng mang lại hiệu quả khi ngay trong quý IV/2023, có thêm 22 quỹ đầu tư ESG được ra mắt cùng 6 tỷ baht huy động trong một tháng đầu.
Tại Việt Nam, liên quan đến xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh, tài chính xanh, vấn đề này thực tế được quan tâm từ sớm. Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Thông tư 101/2021/TT-BTC quy định giá dịch vụ lĩnh vực chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoán cũng đã giảm 50% mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết, giao dịch, đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán… đối với chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.
Phát triển thị trường vốn xanh là một trong các mục tiêu đã được đưa vào Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Trong chuyến công tác tại Singapore tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đặc biệt nhấn mạnh sự quan tâm tới cách thức huy động trái phiếu xanh và vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon, mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Singapore trong công tác nghiên cứu, tập huấn, đào tạo nhân sự, chuyên gia.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn quan tâm đến các chính sách và tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, cũng như tăng cường phát triển xanh, phát triển bền vững.