Thông tin này được ông Karthik Rammohan, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research (Mỹ) cho biết tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 20/3.

Theo giới thiệu, Lam Research là một trong những nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, thành lập từ năm 1980, có trụ sở tại California, Mỹ. Doanh thu năm 2022 của tập đoàn là 19 tỷ USD và tính đến tháng 3/2023, Lam Research có hơn 18.700 nhân viên.

Tại buổi làm việc, ông Karthik Rammohan cho biết Lam Research có định hướng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á. Riêng tại Việt Nam, Lam Research dự kiến hợp tác với Công ty Seojin (hiện đã có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn 1 với số vốn 1-2 tỷ USD. Sau giai đoạn 1, Lam Research có thể đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Mỹ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn Lam Research.

Lãnh đạo Lam Research mong muốn tìm hiểu những chính sách khuyến khích đầu tư, những sáng kiến, chương trình mà doanh nghiệp này có thể tham gia nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các nhà cung cấp, hệ sinh thái chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Sau khi lắng nghe những đề xuất từ Lam Research, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực này với các cơ chế, chính sách phù hợp và ưu đãi cụ thể theo quy định của pháp luật, cũng như đẩy mạnh xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Thủ tướng mong muốn tập đoàn ngoài đầu tư, sản xuất cần chú trọng hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Lam Research tiếp tục làm việc cụ thể với các cơ quan, địa phương liên quan để triển khai các công việc, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Công nghiệp bán dẫn được xem là ngành công nghiệp nền tảng và còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Đây cũng là ngành được Thủ tướng Chính phủ mong muốn phát triển đột phá trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, một số công ty công nghệ trong nước như FPT, Viettel, VNPT… đang nỗ lực tham gia hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Thậm chí các ngành phụ trợ cũng nhìn thấy cơ hội lớn từ thị trường này.

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang trong chuyến công tác Việt Nam hồi cuối năm 2023 cũng tuyên bố, tập đoàn này sẽ tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của Việt Nam có thể tham gia thực tập, làm việc tại NVIDIA; xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, cũng như tư vấn hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ; ủng hộ, phối hợp với Việt Nam trong việc tiếp cận, triển khai các dự án trong khuôn khổ Quỹ trợ cấp cho các hoạt động sản xuất và phát triển chất bán dẫn của Chính phủ Hoa Kỳ.

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, để pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trước tiên chúng ta phải nhanh chóng học hỏi công nghệ, tiếp thu tri thức khoa học, tiến tới làm chủ công nghệ để có thể phát triển cùng các nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng đầy đủ điều kiện cung cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không…

Theo vị chuyên gia này, hiện nhiều quốc gia rất mong muốn các tập đoàn lớn như Intel đầu tư như Indonesia, Ba Lan, Malaysia. Họ có những ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn cả về đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa phải lựa chọn duy nhất của họ. Do đó, cần có một cơ chế đặc biệt, thuận lợi, một hệ thống tổ chức quản lý tinh gọn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn.

Nguồn: vietnamfinance.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *