TP.HCM vừa công bố danh mục kêu gọi đầu tư 28 dự án trong chương trình tăng trưởng xanh, với tổng vốn gần 160.000 tỷ đồng theo hình thức kết hợp công – tư. Trong đó hơn 97.000 tỷ đồng được kêu gọi đầu tư cho các hạng mục giao thông…

đầu tư
TP.HCM kêu gọi đầu tư 28 dự án trong chương trình tăng trưởng xanh với tổng vốn gần 160.000 tỷ đồng – Ảnh minh hoạ

UBND TP.HCM vừa ban hành danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh theo các hình thức kết hợp công – tư với tổng số vốn gần 160.000 tỷ đồng. Số dự án này được thành phố mời gọi đầu tư tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM diễn ra ngày 24/1.

ƯU TIÊN DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH

Hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM nằm trong khuôn khổ hoạt động phát triển tăng trưởng xanh và bền vững tại thành phố của Nhóm công tác chung TP.HCM – Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Tại hội nghị, TP.HCM giới thiệu định hướng phát triển kinh tế, xã hội, cơ chế chính sách đặc thù, dự thảo khung chiến lược phát triển kinh tế xanh của thành phố để kêu gọi đầu tư các dự án phát triển tăng trưởng xanh theo các hình thức kết hợp giữa đầu tư công và tư nhân.

Trong đó, thành phố giới thiệu dự án Quản lý rủi ro ngập lụt đô thị tại thành phố Thủ Đức, dự án Đô thị carbon thấp trong các lĩnh vực ưu tiên và thông tin về một số dự án trọng điểm thu hút đầu tư xanh của thành phố.

Đáng chú ý, trong tổng số 28 dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM lần này có 6 dự án liên quan đến công nghệ cao. Trong đó có 3 dự án sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn trên diện tích 5,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 4.100 tỷ đồng; 1 dự án nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn cần thu xếp nguồn vốn 213 tỷ đồng.

Hai dự án còn lại gồm: Dự án Trung tâm dữ liệu (Data Center) là dự án lớn nhất được mời gọi đầu tư với số vốn 6.950 tỷ đồng và dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao (345 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, có 5 dự án chỉnh trang đô thị và tái định cư được đưa vào danh mục này với số vốn kêu gọi là 1.440 tỷ đồng.

Thành phố Thủ Đức cũng lên kế hoạch xây dựng Khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng (12.071 tỷ đồng); Khu phức hợp trung tâm Hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ (1659 tỷ đồng); Quảng trường trung tâm (5.348 tỷ đồng).

Ở lĩnh vực môi trường, các dự án chủ yếu tập trung vào xử lý nước thải với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, bao gồm nhà máy Tây thành phố, Tân Hóa – Lò Gốm; Tham Lương – Bến Cát (giai đoạn 2); Bắc Sài Gòn 2.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Trong danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư tại hội nghị này, lĩnh vực giao thông có 9 dự án. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết đây đều là những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách, ưu tiên, hoàn thành trước năm 2030, cần kêu gọi đầu tư.

Theo đó, 9 dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 97.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có dự án xây dựng cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp và phần đường dẫn hai đầu cầu với quy mô 6 làn xe, chiều dài tuyến khoảng 7,3 km, tổng mức đầu tư dự kiến 10.569 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh nhằm kết nối giao thông giữa huyện đảo Cần Giờ với trung tâm TP.HCM và các khu vực lân cận.

Kế đến là dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Toàn tuyến dự án này dài khoảng 50,9 km đi qua địa bàn TP.HCM (24,660 km) và tỉnh Tây Ninh (26,317 km); quy mô 6 làn xe; tổng đầu tư dự kiến 19.803 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực giao thông khu vực; hoàn chỉnh hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm phát triển kinh tế – xã hội.

Dự án có vốn đầu tư lớn khác cần kêu gọi là dự án xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường Vành đai 2 (Quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương). Dự án nhằm tăng cường khả năng kết nối hệ thống đường trên cao thành phố cũng như khả năng kết nối giao thông theo hướng Đông – Tây. Đường trên cao tuyến số 5 dài khoảng 21 km; quy mô 4 làn xe; diện tích sử dụng đất khoảng 37,6 ha, diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 7,5 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến là 15.400 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, thành phố cần tăng tốc độ triển khai các dự án, để hoàn thành mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch. Yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu, đề xuất chiến lược và giải pháp để giải quyết các thách thức liên quan đến huy động vốn, cơ chế chính sách, kêu gọi thu hút nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác.

Để giải quyết những vấn đề trên, thành phố đã xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 bảo đảm đồng bộ với chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metal của ngành Sở Giao thông vận tải thành phố cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 876/2022.

Sở Giao thông vận tải thành phố cũng cho rằng mục tiêu của thành phố không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hệ thống giao thông, mà còn hướng đến chuyển đổi sang các phương tiện chạy điện và sử dụng năng lượng xanh, nhằm đóng góp tích cực vào việc giảm khí thải carbon, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Nhằm từng bước đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, thành phố cần sự hỗ trợ về các nguồn lực tài chính, kinh nghiệm từ cộng đồng các nhà đầu tư, các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *