VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định hỗ trợ ở mức cao hơn, có thể lên đến 75% trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, như một trường đại học, viện nghiên cứu…

doanh nghiệp
VCCI đề xuất nâng mức hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển tại doanh nghiệp có thể tăng lên đến 75% – Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Quỹ này nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước rót vốn vào một số lĩnh vực mới nổi theo hướng xanh (chip, bán dẫn, điện gió ngoài khơi) trong bối cảnh Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu 2024.

Theo đó, các khoản hỗ trợ từ Quỹ được chi trực tiếp bằng tiền, không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tiền hỗ trợ được áp dụng cho 5 nhóm chi phí, gồm đào tạo, phát triển nhân lực; nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư tạo tài sản cố định; sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

 TĂNG MỨC HỖ TRỢ R&D

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong văn bản góp ý, VCCI cho rằng Quốc hội đã quyết định thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và có biện pháp hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.

Liên quan đến hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển, theo VCCI, Điều 16 của Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang quy định hỗ trợ tối đa lên đến 50% chi phí nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm tính lan toả trong nền kinh tế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định hỗ trợ ở mức cao hơn, có thể lên đến 75% trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, như một trường đại học, viện nghiên cứu.

Theo VCCI, mức cao này được đề nghị trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D, như một trường đại học, viện nghiên cứu. Mục tiêu là đảm bảo tính lan tỏa trong nền kinh tế.

“Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị, lan toả đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam”, VCCI bày tỏ quan điểm.

Cũng theo VCCI, các biện pháp hỗ trợ đầu tư có ưu điểm về tính linh hoạt, Nhà nước có thể tùy chọn đối tượng, hình thức, nội dung hỗ trợ để định hướng các doanh nghiệp thực hiện những hoạt động đầu tư kinh doanh có nhiều ngoại ứng tốt cho xã hội.

Do đó, khi thiết kế các biện pháp hỗ trợ đầu tư cần lựa chọn các phương án chính sách sao cho đạt được mục tiêu kép, vừa hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời có tác động tích cực lan toả và dài hạn cho kinh tế xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam thực hiện hoạt động R&D tại các doanh nghiệp này.

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRONG NGÀNH BÁN DẪN

Bán dẫn hiện được đánh giá là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30 – 50 năm tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Theo Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành chip, bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu.

Thực tế, nhiều “ông lớn” bán dẫn đã đến xây nhà máy tại Việt Nam. Đơn cử, công ty Kine SIC Semi (Mỹ) chuyên sản xuất chip công nghệ cao mong muốn xây nhà máy tại Bắc Ninh khoảng 200 triệu USD.

Trước đó, năm 2023, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), dự kiến tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu đem về 800 triệu USD. Hay sự kiện Amkor khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD…

Sự xuất hiện của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nói trên giúp Việt Nam thâm nhập vào thị trường bán dẫn toàn cầu, thậm chí có thể trở thành trung tâm tăng trưởng của ngành.

Dù vậy, hiện Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn. Theo số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 – 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Dự báo của một số chuyên gia kinh tế cho thấy, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, từ trình độ đại học trở lên.

Nhưng thực tế, số lượng người lao động đã qua đào tạo có thể đáp ứng cho ngành công nghệ cao rất ít, đặc biệt ít trong ngành sản xuất chip bán dẫn. Con số 5.000 – 6.000 kỹ sư có thể làm việc trong ngành sản xuất chip bán dẫn vô cùng nhỏ so với nhu cầu 50.000 – 100.000 kỹ sư của doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành này.

Hiện, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn, một số trường nổi bật trong giảng dạy ngành này như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học quốc gia TP.HCM, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM,….

Thời gian qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đòi hỏi sự phối hợp hành động của các bộ/ngành để thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ trong ngành bán dẫn. Việc triển khai các chính sách này cũng đã đạt được một số kết quả, góp phần khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nói chung tại Việt Nam.

Đồng thời, nhằm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt một số nhiệm vụ trong các chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Qua nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch. Một số tổ chức, doanh nghiệp đã có đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ chíp bán dẫn như: Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (Đại học Quốc gia TP.HCM)…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *