GIỚI THIỆU

ĐMST có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia nói chung và DN nói riêng, là động lực cho sự tiến bộ kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, với đặc thù quy mô, hoạt động của khu vực DN trong việc thúc đẩy KHCN và ĐMST vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề tài chính. Do vậy, việc tìm hiểu một số công cụ tài chính thúc đẩy KHCN và ĐMST cho DN thường được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam là cần thiết.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Để thúc đẩy KHCN và ĐMST của quốc gia nói chung, của DN nói riêng phát triển, thì bên cạnh tầm nhìn, chủ trương phát triển của chính phủ, thì những hỗ trợ tài chính từ chính phủ đóng vai trò rất quan trọng để KHCN và ĐMST phát triển vì chi tiêu của chính phủ có thể hỗ trợ rất lớn so với nguồn lực của tư nhân, ví dụ bằng cách tăng nhu cầu và chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các nhà nghiên cứu, hoặc hỗ trợ triển khai các dự án của DN thông qua các công cụ gián tiếp và trực tiếp:

Thứ nhất, Chính phủ có thể hỗ trợ trực tiếp thông qua các hình thức sau:

– Các chương trình đổi mới của DN, mà theo đó chính phủ và chính quyền địa phương sẽ cùng hỗ trợ chi phí hoạt động đổi mới công nghệ của DN để đổi lại tỷ lệ nhất định khoản đóng góp dưới dạng phí công nghệ trong một thời gian khi nhiệm vụ kết thúc.

– Cho vay, bảo lãnh tín dụng và/hoặc mua cổ phần của DN.

– Mua sắm công nhằm thúc đẩy ĐMST: Một công cụ quan trọng thúc đẩy ĐMST của chính phủ. Mục đích là tạo nhu cầu về công nghệ hoặc dịch vụ chưa tồn tại, hoặc nhắm đến việc mua các dịch vụ nghiên cứu (mua sắm tiền thương mại hóa kết quả nghiên cứu).

– Phiếu thưởng ĐMST (Innovation Voucher): Chương trình “phiếu thưởng ĐMST” là công cụ gồm các ưu đãi tài chính do chính quyền địa phương, vùng hoặc quốc gia tài trợ cho các DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa (DNNVV) về ĐMST.

Thứ hai, Chính phủ có thể tài trợ gián tiếp thông qua những ưu đãi tài chính, như: cung cấp tín dụng cho DN, ưu đãi thuế cho R&D. Các ưu đãi về thuế sẽ giúp giảm chi phí biên của hoạt động R&D và vì vậy, công cụ này trung hòa hơn so với hỗ trợ trực tiếp, thể hiện qua các hình thức sau:

– Ưu đãi thuế cho hoạt động R&D được thể hiện chủ yếu qua 2 hình thức là: (i) Siêu khấu trừ thuế là cho phép DN đầu tư vào nghiên cứu được trừ thêm vào thu nhập chịu thuế của DN tùy theo mức chi phí của DN cho R&D; (ii) Tín dụng thuế: một tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu đặc biệt được cắt giảm từ số thuế thu nhập DN, mà một DN phải trả.

– Ưu đãi thuế liên quan đến bằng sáng chế và ĐMST: thường được gọi là P-Box là những giảm thuế thu nhập có được từ hoạt động thương mại hóa bằng sáng chế tài sản trí tuệ hoặc quyền sở hữu trí tuệ. Không giống như các chính sách tiêu chuẩn như trợ cấp, trợ cấp và các ưu đãi tài chính khác, được coi là front-end (khi các công ty phát sinh chi phí), Patent Box là các ưu đãi back-end (khi doanh thu được tạo ra). Ưu đãi P-box rất khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ: Thổ Nhĩ Kỳ là 12,5%, trong khi Ba Lan là 5%, Israel đưa ra nhiều mức khác nhau từ 5%-7,5%-8%- 16% và đặc biệt là Thụy Sĩ với mức giảm thuế cơ bản lên đến 90% trên thu nhập bằng sáng chế (OECD, 2016).

Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng công cụ ưu đãi tài chính và đặc biệt là ưu đãi thuế như một công cụ hữu hiệu để khuyến khích KHCN và ĐMST, như: Nga, Trung Quốc, các quốc gia trong Liên minh châu Âu. Nhìn chung, Liên minh châu Âu có xu hướng sử dụng công cụ thuế hơn là tài trợ trực tiếp cho hoạt động R&D của các DN. Các ưu đãi thuế trong hỗ trợ tài chính mà các chính phủ dành cho R&D là lớn nhất, như: Ireland (44%), Vương quốc Anh (38%), Bồ Đào Nha (37%) và Pháp (31%), tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (24%) và Bỉ và Ý (23%). Ở những quốc gia này, ưu đãi thuế cho R&D không chỉ là công cụ chính sách chính để hỗ trợ R&D của DN, mà còn đóng vai trò đầu tiên trong tổng thể chính sách R&D. Điều này khá trái ngược với Nga khi ưu đãi thuế chỉ chiếm 13% và phần lớn tài trợ đến từ ngân sách liên bang (OECD, 2021).

Hình: Ưu đãi thuế cho R&D trong OECD và khu vực EU giai đoạn 2000-2021

đổi mới
Nguồn: OECD (2021)

Nhiều quốc gia hiện đang dựa vào hỗ trợ thuế để khuyến khích R&D kinh doanh hơn một thập kỷ trước. Số liệu ở Hình cho thấy, số lượng các nước OECD và EU cung cấp ưu đãi thuế R&D đã phát triển như thế nào theo thời gian. Năm 2021, 34/38 quốc gia OECD cung cấp ưu đãi thuế R&D tại chính quyền trung ương hoặc địa phương và con số này lên tới 22 ở khu vực EU-27, với Đức và Thụy Sĩ (tùy chọn cơ sở ở cấp bang) giới thiệu ưu đãi thuế R&D lần đầu tiên vào năm 2020 và Phần Lan giới thiệu lại hỗ trợ thuế R&D dưới hình thức khấu trừ thuế cho hợp tác nghiên cứu liên quan đến R&D cho năm 2021. Điều này ngụ ý rằng, sự gia tăng khoảng 70% ở OECD và tăng 100% ở EU các quốc gia cung cấp giảm thuế R&D cho các DN so với năm 2000, nơi chính phủ ở 20/38 quốc gia OECD và 11/27 quốc gia EU đã cung cấp hình thức hỗ trợ này. Hình 2 cũng cho thấy, xu hướng ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D vẫ tiếp tục tăng lên và đây là xu hướng chung và Đức – một quốc gia châu Âu rất ít sử dụng việc giảm thuế cũng đã đưa ra các chương trình về việc sử dụng thuế như là một công cụ thúc đẩy KHCN và ĐMST vào năm 2020.

Hay một điển hình của Israel, giai đoạn 2017-2018, Isarel là quốc gia đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào R&D. Chính phủ Israel thành lập Quỹ R&D – Hỗ trợ R&D cạnh tranh, thuộc Cơ quan Đổi mới Israel – IIA, nhằm hỗ trợ quá trình phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cấp công nghệ hiện có cho các DN đổi mới công nghệ để củng cố và thúc đẩy nền kinh tế Israel. Hình thức hỗ trợ từ 20%-50% tổng kinh phí dự án công nghệ được phê duyệt. Dưới sự hỗ trợ của IIA, các DN được bảo đảm về cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ĐMST, bao gồm: việc tăng số lượng người lao động trong lĩnh vực R&D, giới thiệu các công cụ tài chính mới, hỗ trợ việc thiết lập các nền tảng ĐMST mở và thúc đẩy hệ thống hợp tác quốc tế dành cho đổi mới sáng tạo, R&D. Hiện nay, Quỹ này đang hỗ trợ theo phương thức tài trợ có điều kiện: Các công ty nhận tài trợ cam kết trả lại một phần khoản tài trợ đã nhận được cho Quỹ, thông qua lợi nhuận kinh doanh đối với các dự án thành công trong giai đoạn thương mại hóa (Research Office Legislative Council Secretariat, 2017).

GỢI Ý CHO VIỆT NAM

Hiện nay, khó khăn về vốn và không huy động được vốn là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới động cơ và tiến bộ đầu tư đổi mới công nghệ của DN Việt Nam. Để giải quyết khó khăn này, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các DN đổi mới công nghệ, điển hình là một số chương trình KHCN, như: Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình trọng điểm Nhà nước về khoa học và công nghệ và một số quỹ hoạt động theo mô hình định chế tài chính phi lợi nhuận ra đời bước đầu đã phát huy tác dụng, như: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Quỹ Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)…

Đặc biệt, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập năm 2011 đã bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan, có thể kể đến như: Nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ từ các DN; huy động trên 782 tỷ đồng cho các dự án đang thực hiện; đổi mới, cải tiến và phát triển 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được ứng dụng trực tiếp tại các DN, mang lại hiệu quả kinh tế cao (NATIF, 2022).

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho các DN phát triển nói chung, hỗ trợ về tài chính cho ĐMST và KHCN nói riêng, trong những năm qua, Quỹ Phát triển DNNVV đã hợp tác với 6 NHTM để triển khai cho vay vốn trên 63 tỉnh, thành. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ DNNVV trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phê duyệt giảm lãi suất cho vay của Quỹ đối với DNNVV về mức 2,16%/năm (ngắn hạn) và 4,0%/năm (trung và dài hạn) (Lê Vân, 2021).

Ngoài ra, để hỗ trợ DN chuyển đổi số, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nêu rõ, DNNVV được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số, đồng thời được hỗ trợ chi phí để thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh với mức 20 triệu đồng/DN siêu nhỏ, 50 triệu đồng/DN nhỏ và 100 triệu đồng/DN vừa.

Bên cạnh những hỗ trợ chính sách về tài chính nói trên, việc thực hiện các công cụ tài chính thúc đẩy KHCN và ĐMST cho DN còn gặp một số khó khăn, như: Nhu cầu đổi mới công nghệ của DN là rất lớn, nhưng 97% DN trên cả nước hầu hết có quy mô nhỏ, khả năng quản trị điều hành yếu, thông tin tài chính của DN không được công khai, minh bạch, dẫn đến các quỹ hỗ trợ tài chính gặp khó khăn trong quá trình đánh giá năng lực tài chính của DN. Đồng thời, DN gặp khó khăn trong việc chứng minh năng lực thực hiện nhiệm vụ và chứng minh nguồn vốn đối ứng để thực hiện nhiệm vụ. Hầu hết DN nhận thức về công nghệ, đổi mới công nghệ còn sơ sài, không có kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, do đó việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ của các quỹ hỗ trợ tài chính thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của DN.

Dựa vào kinh nghiệm quốc tế và thực trạng nói trên của DN Việt Nam, theo tác giả, cần lưu ý một số vấn đề như sau trong việc sử dụng hiệu quả các công cụ tài chính để thúc đẩy KHCN và ĐMST cho DN:

Một là, các quỹ hỗ trợ về tài chính cho DN cần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ thường xuyên, kịp thời của Chính phủ. Các quỹ này được bảo đảm ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư, do khoản kinh phí này rất nhỏ so với lượng kinh phí tài trợ cho các DN, lại càng nhỏ hơn so với giá trị kinh tế đem lại nhờ đổi mới công nghệ, mặt khác tạo điều kiện cho các quỹ chủ động thực hiện các hoạt động được giao. Thực chất, đây là các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước tại thời điểm chưa có khả năng, điều kiện xã hội hóa khi chưa hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai là, tăng tổng chi tiêu cho R&D, đặt mục tiêu tỷ lệ chi tiêu cho R&D so với GDP bằng các nhóm nước ĐMST nhanh trong khu vực (1%-2%). Đồng thời, khuyến khích DN tiến hành hoạt động R&D, đặc biệt thông qua mối liên kết theo ngành dọc và theo ngành ngang với các DN nước ngoài. Thúc đẩy mối liên kết ĐMST giữa DN – trường đại học – viện nghiên cứu. Tham khảo chính sách gián tiếp cho DN thông qua nguồn vốn R&D vào các trường đại học.

Ba là, các quỹ phát triển KHCN cần được tăng cường về quy mô để thúc đẩy hoạt động cho vay phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ cho DN. Theo đó, Việt Nam cần phải cơ cấu lại các nguồn lực để tăng cường đầu tư KHCN, đặc biệt là việc chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có sử dụng công nghệ nền tảng, mặt khác cần dồn lực cho việc tìm kiếm, khai thác các nguồn lực tri thức công nghệ của nước ngoài, gồm cả công nghệ, chuyên gia để thay đổi nhanh trình độ sản xuất công nghệ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng gắn với xuất khẩu.

Bốn là, cần thể hiện rõ sự gắn kết hữu cơ giữa đầu tư cho KH&CN và đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh tại các DN. Với các DN, đầu tư cho KHCN cuối cùng phải quay lại phục vụ hoạt động sản xuất, không có hoạt động KHCN tách rời hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc tách bạch nội dung chi cho KHCN và chi cho phát triển sản xuất kinh doanh theo quy định hiện hành là một rào cản khi DN muốn khai thác và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN./.

Nguồn: kinhtevadubao.vn