Thanh Hóa hiện vẫn là địa phương dẫn đầu miền Trung trong thu hút FDI. Tuy nhiên, vị thế này đang bị lung lay bởi kể từ năm 2018 đến nay, tỉnh này đang có dấu hiệu hụt hơi trong thu hút vốn ngoại…

Thanh Hóa
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao quà lưu niệm cho đại diện Tập đoàn Sumitomo.

Theo báo cáo mới nhất, tình hình thu hút FDI của Thanh Hóa đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong năm 2024 khi tỉnh này đang thuận lợi đón dòng vốn có quy mô lên tới hơn 3,5 tỷ USD từ các dự án chuẩn bị đầu tư.

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,81 triệu USD, gấp 2,1 lần về số dự án và 2,86 lần số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh vốn cho 08 dự án FDI với số vốn tăng thêm là 63,64 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vốn góp 11,35 triệu USD, gấp 21 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,616 tỷ USD. Trong đó có 75 dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 82 dự án ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023 ước đạt 453,5 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh này được triển khai thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cam kết của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực may mặc, giầy da bị cắt giảm đơn hàng, do ảnh hưởng bởi suy thoái của các thị trường xuất khẩu trên thế giới. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị xuất khẩu các doanh nghiệp khu vực FDI giảm 2,85%, giá trị nhập khẩu giảm 8,18%, nộp ngân sách giảm 11%.

Ngoài ra, do thay đổi kế hoạch đầu tư, sản xuất nên trong năm có 04 nhà đầu tư đã tự chấm dứt hoạt động dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 22,9 triệu USD.

Trong năm 2024, tỉnh kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD; trong đó có một số dự án quy mô lớn, như: Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm thương mại Aeon mall (170 triệu USD), 2 dự án Khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)… Giá trị giải ngân vốn của các dự án FDI đạt khoảng 460 triệu USD.

Đáng chú ý, Dự án Nhà máy điện khí LNG có quy mô đầu tư khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để lựa chọn được nhà đầu tư. Dự án có công suất 1500 MW đã có trong Quy hoạch Điện VIII. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến dự án này. Trong đó, Liên danh Tập đoàn JERA (Nhật Bản) và đối tác SOVICO Holdings đã có đề xuất đầu tư tại Khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn.

Theo đề xuất của Liên danh này, tổng diện tích quy hoạch khoảng 61,1 ha. Bao gồm: khu vực trên bờ có tổng diện tích 52,3 ha để bố trí tổ hợp các công trình Nhà máy điện khí (2×750 MW), khu bồn chứa LNG dung tích 230.000 m3, khu tái hóa khí. Khu vực bến cảng LNG có diện tích 4,8 ha để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 97.000 ĐWT (218.000 m3) với công suất tiếp nhận khoảng 2,2 – 2,7 triệu m3 LNG /năm; khu vực trước bến phục vụ neo đậu tàu khoảng 4 ha.

Bên cạnh đó, Dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo dự kiến cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2024. Thời gian qua, Tập đoàn Sumitomo Corporation thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc phát triển và vận hành Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa với diện tích phát triển dự kiến là 650 ha và Trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp với diện tích phát triển dự kiến khoảng 168.5 ha; dự kiến dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025; với tổng số vốn khoảng 9500 tỷ (hơn 400 triệu USD).

Hiện nay, Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long, thuộc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hiện đang nghiên cứu đầu tư hạ tầng khu công nghệ – đô thị – dịch vụ phía Tây TP Thanh Hóa. Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa hiện tại khoảng 11,2 km về phía Tây, vị trí quy hoạch khu công nghệ mới này thuộc các xã: Đồng Thắng, Đồng Lợi, Đồng Tiến (Triệu Sơn); Đông Yên, Đông Văn, Đông Thịnh (Đông Sơn) và xã Đông Tân, phường An Hưng (TP Thanh Hóa).

Với tổng diện tích 1.200 ha, khu công nghệ – đô thị – dịch vụ này sẽ được bố trí phát triển các ngành công nghiệp tập trung theo hướng công nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và dịch vụ đô thị với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản. Do đó nếu khu công nghệ này được Tập đoàn Sumitomo đầu tư thành công, sẽ có nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản hợp tác thành công với tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *