Thị trường M&A Việt Nam vẫn khá sôi động, nhưng động lực chính đang đến từ các nhà đầu tư trong nước. Kỳ vọng tới đây, sẽ là sự trở lại của dòng vốn ngoại.

a t4 1
Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, nhiều tiềm năng

Khoảng lặng giữa những cơn sóng lớn

Thị trường M&A Việt Nam đang có những khoảng lặng nhất định, khi mà những năm gần đây, tổng giá trị các giao dịch M&A có xu hướng chậm lại. Trong 9 tháng năm 2023, theo số liệu của KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A đạt khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó, động lực chính nằm ở phía các nhà đầu tư trong nước.

Còn theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng qua, có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ. Xu hướng này bắt đầu từ 2-3 năm gần đây và điều này đã khiến thị trường M&A Việt Nam trầm lắng hơn, ít thương vụ lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, đây vẫn là những con số khá tích cực trong bối cảnh ảm đạm chung của thị trường M&A Đông Nam Á. Nhiều thương vụ từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được ghi nhận. Trong đó, một trong những thương vụ được nhắc đến rất nhiều chính là thương vụ Tập đoàn y tế lớn của Singapore – Thomson mua lại Bệnh viện FV của Việt Nam với giá 381,4 triệu USD vào đầu năm 2024.

Ngoài ra, Mitsui & Co đầu tư để chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto – một đơn vị thành viên của Tasco; Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) thâu tóm 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước, rộng 45,5 ha, từ Tập đoàn Nam Long (NLG), với giá khoảng 26 triệu USD; Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển Dự án The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại tỉnh Bình Dương.

Tương tự, Tripod Technology Corporation (Đài Loan) đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ nhà phát triển bất động sản công nghiệp Sonadezi Châu Đức (SZC). Công ty Atlantic, Gulf and Pacific LNG (Singapore) đã mua lại 49% cổ phần của Kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…

Nhận định về xu hướng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho rằng, đây chỉ là vấn đề mang tính thời điểm, do xu hướng chung của thị trường toàn cầu, do kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi toàn toàn sau đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu.

“Việt Nam nói chung, thị trường M&A nói riêng, vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, nhiều tiềm năng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh và cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi rõ nét, dòng đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam, thì thị trường M&A Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại.

Kỳ vọng dòng vốn ngoại

Sau một thời gian đáng kể thị trường M&A Việt Nam chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư trong nước, thì giờ đây kỳ vọng đang được đặt vào tay các nhà đầu tư ngoại. Trong báo cáo về thị trường M&A Việt Nam, KPMG cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài – chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ – từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam, dự kiến quay trở lại từ năm 2025 và các năm tới.

Có nhiều lý do để KPMG đưa ra nhận định này. Chẳng hạn, sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, các chính sách ưu đãi, sự hoàn thiện của hạ tầng… đã tiếp tục định vị Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho dòng vốn xuyên biên giới. Theo KPMG, thị trường M&A Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 dự kiến ngày càng có triển vọng hơn với những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội giữa các biến động trong khu vực.

“Thị trường M&A sẽ giao dịch nhộn nhịp trở lại, dựa trên cơ sở rất nhiều nhà đầu tư muốn quay lại những lĩnh vực truyền thống, những doanh nghiệp có lợi nhuận, dòng tiền ổn định, lợi thế rõ ràng cho từng mảng hoạt động”, ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn tài chính doanh nghiệp KPMG Việt Nam nói.

Sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường M&A Việt Nam có lẽ phải bắt đầu từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những năm gần đây, bất chấp dòng đầu tư toàn cầu vẫn chưa phục hồi.

Mục tiêu được đặt ra là năm nay, Việt Nam sẽ thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tương đương năm ngoái. Khả năng đạt được con số này hay không còn phải chờ đợi động thái cuối năm của các nhà đầu tư, nhưng một cách chắc chắn, thì chất lượng dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm bán dẫn, đã và đang tiếp tục đổ vào Việt Nam. Một trong những ví dụ cụ thể là mới đây, LG Display đã tăng vốn thêm 1 tỷ USD cho nhà máy sản xuất màn hình thế hệ mới ở Hải Phòng, ngay sau khi Samsung Display công bố kế hoạch đầu tư tiếp 1,8 tỷ USD cho nhà máy ở Bắc Ninh. Trong khi đó, hàng loạt tên tuổi lớn như Goertek, Foxconn, Luxshare… vẫn đang tiếp tục dốc vốn vào Việt Nam.

Quan trọng hơn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực bán dẫn, AI đều đang “ngấp nghé” các kế hoạch đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam, như Marvell, Lam Research, Synopsys, Infineon, HanaMicron, Amkor…

Việt Nam cũng đang có nhiều tham vọng trong phát triển ngành công nghiệp này, mà theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là không chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Khi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sôi động hơn, thị trường M&A cũng sẽ nhộn nhịp trở lại.

Nguồn: baodautu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *