Hầu hết các ngân hàng lớn đều đã công bố kế hoạch kinh doanh trình đại hội cổ đông. Bên cạnh những ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao gấp đôi, gấp 3, có những ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn.
Lợi nhuận phân hóa, ROE, ROE có thể tăng trở lại
Trong số các ngân hàng công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay, BVBank là ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất. Ngân hàng này dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 200 tỷ đồng, tăng 179% so với năm 2023 (tăng 2,7 lần). Tiếp đến là VPBank với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023. Hai ngân hàng khác cũng có mục tiêu khá tham vọng khi lên kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 90% là Eximbank và ABBank.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán VPBankS, dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng (tính riêng khối ngân hàng niêm yết) tăng khoảng 15%. Trong đó, các ngân hàng TMCP tư nhân lớn như ACB, HDBank, MB, Techcombank, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 10-18%, các ngân hàng tư nhân nhỏ khác như LPBank, MSB, NamABank, SeABank, TPBank đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn (20-35%).
Về tăng trưởng tín dụng, trung bình các ngân hàng dự kiến tăng tín dụng ở mức khoảng 16%, trong đó có một số ngân hàng lớn đặt chỉ tiêu tăng trưởng dưới mức tăng trưởng mục tiêu của Chính phủ. Các ngân hàng tư nhân vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao cũng là các ngân hàng có room lớn như HDBank, MB, VIB, VPB.
Về tỷ suất sinh lời, các chuyên gia phân tích kỳ vọng năm nay ROE và ROA các ngân hàng sẽ tăng trở lại sau khi suy giảm vào năm ngoái.
Nhìn chung, theo phân tích của VPBanks, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn tiếp diễn ở nửa đầu năm nhưng sẽ có tia sáng nửa cuối năm.
NIM sẽ phục hồi, định giá vẫn đang ở vùng hấp dẫn
Theo VPBankS, việc tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trong thời gian qua sẽ giúp giảm chi phí vốn của các ngân hàng trong thời gian tới. Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều trong cuối năm nay. Lợi thế về chi phí vốn rẻ vẫn nằm ở các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng tư nhân có CASA cao.
CASA toàn ngành hồi phục cũng là một động lực lớn cho ngành để tiết kiệm chi phí vốn, đáy của CASA đã ở quý I/2023 và liên tục hồi phục nhanh chóng về mức trong dịch COVID chỉ trong 3 quý cuối năm.
Hiện tại toàn ngành CASA đang ở mức 22%. Việc này cũng đồng thời giúp việc NIM hồi phục vào 2024 được củng cố rất nhiều. Hiện nay các ngân hàng cũng đang đồng loạt có các chương trình tăng CASA.
Với mặt bằng lãi suất thấp, kỳ vọng mức NIM sẽ phục hồi nhẹ nửa đầu năm và tăng trưởng hơn từ nửa cuối năm khi Fed dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, hạ áp lực cho chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam, tạo ra dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng ở Việt Nam có đất diễn hơn.
Áp lực lớn nhất của các ngân hàng vẫn là nợ xấu. Nợ xấu toàn ngành hiện tại vẫn ở mức 1,9%, khá cao so với năm 2022 là 1,7%. Điểm tích cực là nợ xấu đang giảm dần qua từng quý. Nhìn thêm vào cơ cấu nợ quá hạn của toàn ngành niêm yết (nhóm 2 đến 5) thì ta thấy nợ nhóm 2 bắt đầu vào xu hướng giảm trong 3 quý trở lại đây là tín hiệu rất đáng mừng, đi kèm với chính sách giãn nợ của Thông tư 02 và một số điều sửa trong luật TCTD mới về xử lý nợ xấu cũng sẽ là hành lang pháp lý hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc chiến đấu với nợ xấu vào tương lai.
Về mặt định giá, chuyên gia p hân tích VPBankS cho rằng, cả P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013 nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn. Trong ngắn hạn sẽ có những biến động, rung lắc nhất định, tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu sẽ phục hồi dần trong quý cuối năm, giúp định giá năm 2024 sẽ quay lại mức hấp dẫn. Do đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn phù hợp đầu tư cho trung, dài hạn.
Nguồn: baodautu.vn