Giai đoạn 2023 – 2024, Long An chấp thuận chủ trương đầu tư, khởi công xây dựng 14 dự án nhà ở xã hội, bao gồm: 9 dự án tại huyện Đức Hòa với hơn 11.500 căn; 4 dự án ở huyện Bến Lức, hơn 2.200 căn; và 1 dự án thuộc huyện Cần Đước, khoảng 900 căn…

dự án
Ảnh minh họa.

Theo UBND tỉnh Long An, giai đoạn 2023 – 2024, Long An chấp thuận chủ trương đầu tư, khởi công xây dựng 14 dự án nhà ở xã hội, diện tích hơn 65 ha với hơn 14.600 căn.

Trong đó, tại huyện Đức Hòa có 9 dự án với hơn 11.500 căn; Bến Lức 4 dự án, hơn 2.200 căn; Cần Đước 1 dự án, 900 căn. Các huyện còn lại căn cứ nhu cầu của từng huyện cùng chỉ tiêu hoàn thành để đề xuất vị trí đầu tư phù hợp nhu cầu.

UBND tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn hiện có 21 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang triển khai (đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư), dự kiến diện tích đất xây dựng hơn 42 ha, khi hoàn thành, diện tích sàn đạt gần 916.000 m2  với hơn 15.500 căn, đáp ứng cho khoảng 46.500 người. Ngoài ra, tỉnh có 4.800 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng, tương ứng 77.200 căn nhà trọ, đáp ứng nhu cầu cho hơn 156.000 công nhân, người lao động trong khu, cụm công nghiệp sinh sống.

Tuy nhiên, hiện nay, trên toàn tỉnh có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 12.285,48ha. Trong đó, 24 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất đã cho thuê 3.774 ha/5.982,14 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 63,09%; 18 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê 3.511,88ha/4.076,23 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 86,45%. Số lượng lao động trong các khu công nghiệp khoảng 212.000 công nhân, song, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên là 305.000 công nhân. Trong đó, phần lớn lao động nhập cư từ các tỉnh thành khác và chưa có nhà ở, nên nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp khá cao, chiếm 50% số lao động.

UBND tỉnh đánh giá, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn, đặc biệt là nhóm đối tượng công nhân và người người lao động có thu nhập thấp. Bởi thực tế mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về nhà ở cho đối tượng xã hội, phần lớn họ vẫn phải sống trong các nhà trọ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, cho thuê, có diện tích nhỏ đồng thời chưa đảm bảo tiêu chuẩn về nhà ở theo quy định.

Đặc biệt, năm 2023 và những năm tiếp theo, định hướng công nghiệp và thương mại dịch vụ của tỉnh được xác định là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Do đó nhiều khu, cụm công nghiệp mới sẽ được đầu tư và đi vào hoạt động, vì vậy dự báo số lượng công nhân và nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng mạnh.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nhà ở, UBND tỉnh Long An giao Sở Xây dựng, cùng các sở ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp cụ thể như: rà soát, xây dựng chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, cần cụ thể, rõ ràng, khó khăn vướng mắc điểm nghẽn từ đâu để tập trung tháo gỡ.

Đồng thời, các địa phương phải khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng xác định lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã có, quy hoạch đang chuẩn bị triển khai và trong thời gian tới, nhằm đề xuất quy hoạch vị trí khu đất phù hợp, giúp đầu tư các khu nhà ở xã hội tập trung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều loại chính sách từ đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế đến chính sách cho người lao động, chính sách đặc thù của tỉnh; tạo cơ chế thuận lợi cho việc phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng cho doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng điều kiện để phát triển dự án bất động sản tạo nguồn cung.

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *