Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ bản thống nhất với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Tờ trình ngày 6/2/2024 của Bộ Tài chính

luật
Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Về tiến độ trình dự án luật, nghị quyết nêu rõ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025.

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật và gửi Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Một trong những điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này là áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt nào, có nên bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp tính thuế hỗn hợp bên cạnh phương pháp tính thuế tương đối mà Việt Nam vẫn áp dụng từ trước đến nay hay không. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành chỉ áp dụng phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm.

Trước đó, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhiều lần lấy ý kiến các bên liên quan và chuyên gia trong nước, quốc tế.

Theo đó, một luồng ý kiến cho rằng cần giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay. Lý do: việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành rượu, bia vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan (Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng cần áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối) như ở nhiều nước trên thế giới. Bởi thuế tương đối đang dần trở nên lạc hậu do không đảm bảo công bằng giữa sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm chất lượng thấp.

Ở góc độ khác, trong dài hạn, phương pháp này còn khuyến khích nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm giá rẻ hơn với lượng cồn nguyên chất cao hơn. Đây là một trong những lý do chính khiến phương pháp tiếp cận hiện tại ở Việt Nam sử dụng giá bán làm căn cứ tính thuế duy nhất không được ưa chuộng ở nhiều quốc gia.

Do mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm nhất định, giới chuyên gia cho rằng tuỳ mục tiêu kinh tế – xã hội và đặc thù thị trường của các hàng hoá dịch vụ cần điều tiết sản xuất, tiêu dùng, các quốc gia sẽ lựa chọn áp dụng linh hoạt phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp.

Mục tiêu quan trọng của sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ và môi trường.

Theo đó, chính sách thuế cần có tầm nhìn dài hạn, hài hòa các lợi ích của các bên gồm: Nhà nước (điều tiết tiêu dùng, tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững), doanh nghiệp (không gây ảnh hướng lớn, có tính ổn định đối với hoạt động của doanh nghiệp) và thực hiện được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tháng 7/2023 sau phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã ra Nghị quyết 115 trong đó yêu cầu “nghiên cứu phương pháp tính thuế hỗn hợp (kết hợp phương pháp thuế xuất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với sản phẩm rượu bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của của quốc tế”.

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *