Năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so năm trước. Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,67 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so năm 2022…
Trước áp lực về tình hình kinh tế thế giới, bất động sản Việt Nam vẫn tồn tại một số trở ngại liên quan đến nguồn vốn đầu tư và trái phiếu… Tuy nhiên, dưới sự trợ lực từ phía Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành, thị trường đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, trong đó hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) nổi lên với nhiều điểm sáng.
HÀNG LOẠT THƯƠNG VỤ THÀNH CÔNG
Thị trường bất động sản đã chứng kiến hàng loạt thương vụ nhà đầu tư nước ngoài bắt tay hợp tác cùng doanh nghiệp trong nước phát triển dự án thông qua hình thức M&A.
Đáng chú ý là sự kiện Gamuda Land chi 315,8 triệu USD mua lại dự án quy mô 3,68 ha của Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực tại TP.Thủ Đức. Hay như Sky World Development Berhad mua 2.060m2 đất ở quận 8, TP.HCM từ Công ty cổ phần Thuận Thành với giá 14,3 triệu USD; Capitaland mua dự án Khu đô thị Tân Thành, Bình Dương quy mô 18,9ha của Becamex IDC, đồng thời mua một dự án gồm 4.000 căn hộ thuộc phía Tây Hà Nội.
Cùng chung xu hướng này, các doanh nghiệp trong nước như Kim Oanh cũng ký kết hợp tác với Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore); Hưng Thịnh hợp tác với Marubeni là tập đoàn đa ngành Nhật Bản để thực hiện dự án trung tâm hành chính mới tại TP. Thủ Đức. Trong khi First Real Land mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty cổ phần TM-DV Bạch Đằng, chủ sở hữu lô đất 6.879m2 ở Đà Nẵng có giá 8,2 triệu USD.
Đánh giá về hoạt động M&A và xu hướng hợp tác cùng doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, cho rằng: Thực tế trong giai đoạn tăng trưởng từ năm 2014 đến năm 2018, hầu hết tài sản chất lượng cao đều thuộc chủ đầu tư Việt Nam nhờ năng lực phát triển đất đai, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Điều này đã cản trở sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào việc phát triển vùng đất mới. Tuy nhiên, giữa bối cảnh hiện nay, chủ đầu tư Việt Nam buộc phải cơ cấu lại sản phẩm lẫn danh mục đầu tư, nên có động lực và cởi mở hơn với nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt khi những khó khăn về tài chính của đa số chủ đầu tư chưa thể giải quyết sớm.
Ngoài ra, nguyên nhân của sự gia tăng mạnh mẽ từ nguồn vốn ngoại đến bất động sản Việt Nam còn vì niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư ổn định ở Việt Nam nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Thị trường Việt Nam được nhà đầu tư quốc tế đánh giá là địa điểm kinh doanh hấp dẫn, với dân số có độ tuổi lao động lớn, nhiều chính sách thuận lợi, tiềm năng tăng trưởng tích cực, phù hợp cho đầu tư lâu dài với mức rủi ro thấp, tỷ lệ lạm phát ổn định.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so năm trước. Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so năm 2022.
TIẾP TỤC DIỄN RA SÔI NỔI
Về xu hướng phát triển của ngành bất động sản năm 2024, Công ty Chứng khoán MB kỳ vọng hoạt động M&A dự án bất động sản sẽ diễn ra sôi động. Bởi sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang yếu đi nên việc bán dự án là cần thiết để giúp duy trì hoạt động và phát triển.
Mặt khác, lãi suất điều hành của Mỹ dự báo giảm 4 lần về mức 4,25% trong năm 2024. Điều này càng củng cố nguồn tín dụng cho các tổ chức nước ngoài muốn mua lại dự án bất động sản ở Việt Nam. Lãi suất phi rủi ro ở thị trường quốc tế thấp hơn sẽ làm tăng định giá của dự án bất động sản Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế, do đó có thể khiến cung cầu gặp nhau và hoạt động M&A sôi động hơn.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, xu hướng mua bán và sáp nhập bất động sản năm 2023 diễn ra khá mạnh mẽ. Đặc biệt với chủ đầu tư nước ngoài từng phát triển tại thị trường Việt Nam và chủ đầu tư có năng lực về tài chính, trong năm 2023 đã mua lại hoặc kết hợp cùng chủ đầu tư có quỹ đất mà lại gặp khó khăn về tài chính, về trái phiếu đáo hạn. Vì thế, dự báo hoạt động mua bán và sáp nhập năm 2024 tiếp tục “khởi sắc”, thậm chí kéo dài sang đến năm 2025.
Đồng quan điểm, bà Trang Bùi, Cushman & Wakefield chia sẻ, hiện nay, các quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác. Theo đó, dự báo một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán khá tích cực. Các mục tiêu đầu tư tập trung ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.
Đưa ra nhận xét, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng: Việt Nam với tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, ngày càng thu hút sự quan tâm đầu tư từ nước ngoài. Đặc biệt, sau khi Chính phủ mở lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10/2021, nhiều ngành kinh tế, nhất là du lịch, khách sạn đều được hưởng lợi lớn. Những yếu tố này đồng loạt đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Nguồn: vneconomy.vn