Chủ tịch EIB Nadia Calviño cho biết EIB đang thực hiện các ưu tiên của EU là thúc đẩy khả năng cạnh tranh của châu Âu và sự đi đầu của EU về công nghệ xanh.

Châu Âu
Chủ tịch EIB Nadia Calviño. (Nguồn: Getty Images)

Trong năm 2023, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã ký các hợp đồng tài trợ mới trị giá gần 88 tỷ euro (95,9 tỷ USD) cho các dự án có tác động cao trong các ưu tiên chính sách của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm hành động về khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững và chăm sóc sức khỏe.

Phát biểu hôm 23/1 tại thủ đô Brussels của Bỉ, Chủ tịch EIB Nadia Calviño cho biết trên khắp châu Âu, EIB đang thực hiện các ưu tiên của EU: thúc đẩy khả năng cạnh tranh của châu Âu và sự đi đầu của EU về công nghệ xanh, đồng thời giúp đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho người dân trên khắp EU và trên toàn thế giới.

Bà Nadia Calviño nhấn mạnh EIB đã giữ đúng cam kết, vượt mục tiêu về một loạt các ưu tiên chính của EU. Điều này sẽ mang lại những lợi ích hữu hình cho tất cả, từ nước uống an toàn hơn đến giao thông công cộng được cải thiện, từ khả năng tiếp cận tốt hơn với vaccine đến phạm vi phủ sóng di động 5G nhiều hơn, từ tạo việc làm và tăng khả năng cạnh tranh đến an ninh và hiệu quả năng lượng.

Với 349 tỷ euro đầu tư xanh được huy động kể từ năm 2021, EIB đang trên đà đạt được mục tiêu 1.000 tỷ euro tài chính xanh bền vững vào cuối thập kỷ này. 49 tỷ euro đã được tài trợ trực tiếp cho hành động về khí hậu và môi trường bền vững vào năm 2023, so với 38 tỷ euro vào năm 2022.

Vào năm 2023, các khoản đầu tư của EIB bao gồm hơn 21 tỷ euro theo chương trình Hỗ trợ chuyển đổi xanh của EU (REPowerEU), nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Năng lực sản xuất điện được tài trợ sẽ có thể cung cấp cho 13,8 triệu hộ gia đình.

Trong năm 2023, một năm gia tăng bất ổn trên toàn thế giới, BEI Global, một chi nhánh của EIB chuyên về đầu tư bên ngoài EU, đã phân bổ hơn 8,4 tỷ euro cho các dự án, trong đó gần một nửa dành cho các quốc gia kém phát triển nhất thế giới và các quốc gia mong manh.

Tổng cộng, các nguồn tài trợ toàn cầu của BEI đã kêu gọi 27 tỷ euro đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến Cổng Toàn cầu EU, nhằm đạt được 100 tỷ euro trước năm 2027.

Ngoài ra, trong năm 2023, EIB đã thành lập quỹ EU4U với sự hỗ trợ của các thành viên và Ủy ban châu Âu nhằm gia tăng sức mạnh kinh tế và tái thiết ở Ukraine, với gần 2 tỷ euro hỗ trợ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

EIB đã đầu tư 19,8 tỷ euro vào đổi mới và 20 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là phần lớn là các khoản từ Quỹ đầu tư châu Âu (EIF), nhà cung cấp tài chính rủi ro chuyên nghiệp của EIB, với gần 15 tỷ euro đầu tư vào năm 2023.

Số tiền này bao gồm 1 tỷ euro theo Sáng kiến Nhà vô địch công nghệ châu Âu để phát triển các công ty khởi nghiệp về công nghệ đột phá và cải thiện khả năng cạnh tranh của châu Âu, trong đó đáng chú ý là 19 dự án trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch Calvino cho biết vào thời điểm các điều kiện đầu tư đầy thách thức, EIB sẵn sàng đóng vai trò phản chu kỳ, bổ sung ngân sách cho EU và hỗ trợ các quốc gia thành viên cũng như nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trên khắp châu Âu, đặc biệt là từ khu vực tư nhân.

Nhưng EIB biết rằng những thách thức mà ngân hàng gặp phải đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa và đó chính xác là những gì có thể giúp châu Âu thực hiện.

Trong tuần này, EIB sẽ công bố các dự án mới ở Thụy Điển, Romania, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Litva và Bulgaria để hỗ trợ các công nghệ xanh mới, từ trạm sạc đến đường sắt, sản xuất thép xanh và các giải pháp năng lượng Mặt Trời.

Nguồn tài chính của EIB vào năm 2023 cung cấp khoảng 320 tỷ euro đầu tư cho 400.000 doanh nghiệp và hỗ trợ 5,4 triệu việc làm. Hơn 45% nguồn tài trợ của EIB trong EU là nhằm hỗ trợ các khu vực gắn kết và gần 20% dành cho các khu vực kém phát triển hơn của EU, nơi GDP bình quân đầu người thấp hơn 75% mức trung bình của EU.

Theo Chủ tịch Calvino, EIB mang lại giá trị cho mọi quốc gia và mọi lĩnh vực của nền kinh tế EU. EIB đóng góp mạnh mẽ vào sự đổi mới, hòa nhập, an ninh kinh tế và khả năng cạnh tranh tại châu Âu, đồng thời đảm bảo hợp tác với các đối tác trên khắp thế giới để tăng cường tác động của công việc chung.

EIB là tổ chức cho vay dài hạn của EU thuộc sở hữu của các quốc gia thành viên. Ngân hàng tài trợ cho các khoản đầu tư mạnh mẽ góp phần vào các mục tiêu chính sách của EU, bao gồm cả quá trình chuyển đổi toàn cầu sang trung hòa về khí hậu.

EIF có nhiệm vụ chính là hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của châu Âu bằng cách giúp họ tiếp cận nguồn tài chính.

EIF thiết kế và phát triển các công cụ quản lý rủi ro và vốn phát triển, bảo lãnh và tài chính vi mô nhắm mục tiêu cụ thể vào phân khúc thị trường này.

Với vai trò này, EIF góp phần theo đuổi các mục tiêu chính sách quan trọng của EU như khả năng cạnh tranh và tăng trưởng, đổi mới và số hóa, tác động xã hội, kỹ năng và vốn nhân lực, hành động về khí hậu và môi trường bền vững./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *