Trong điều kiện lạm phát, phân khúc cho thuê ngắn hạn tại châu Á được cho là trở nên thu hút hơn, đặc biệt đối với phân khúc như bất động sản kho vận, nhà ở sinh viên, nhà ở đa gia đình hay nhà ở dành cho người cao tuổi, các “nền kinh tế mới” sẽ trở nên mới mẻ, có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết…

bat dong san hang hieu
Ảnh minh họa.

Những thách thức dai dẳng như lãi suất tăng cao và sự bất ổn kinh tế toàn cầu tiếp tục gây trở ngại cho hoạt động đầu tư tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ước tính sơ bộ, tổng vốn đầu tư trong quý 3/2023, bao gồm các dự án phát triển và giao dịch đang chờ giải quyết đạt 20,7 tỷ USD, giảm 48% so cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất kể từ năm 2013. Tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu tích cực thể hiện, nhà đầu tư đang khôi phục niềm tin vào thị trường bất động sản của khu vực.

CÁC PHÂN KHÚC THU HÚT ĐẦU TƯ

Trong báo cáo quý 3/2023 về đầu tư châu Á-Thái Bình Dương (APIQ) do Savills công bố, tại Nhật Bản, mặc dù vốn đầu tư giảm trong quý nhưng thị trường công nghiệp và khách sạn vẫn thể hiện rõ sự mạnh mẽ, bù đắp phần nào cho suy giảm của các phân khúc khác. Tương tự, Hồng Kông cũng tăng trưởng nhẹ theo quý với một số dự án và giao dịch thực hiện ở lĩnh vực khách sạn. Còn Trung Quốc, những thách thức kinh tế lẫn biên giá mua-bán rộng đang tác động đến khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, thị trường này lại ghi nhận lượng quan tâm lớn đến từ người mua để sử dụng trong nước và các công ty bảo hiểm đối với tài sản thương mại chất lượng cao.

Theo báo cáo, hoạt động đầu tư xuyên biên giới đã được thúc đẩy bởi những giao dịch trong khu vực, trong đó, Singapore chiếm khoảng 50% hoạt động xuyên biên giới; dòng vốn từ khu vực Bắc Mỹ cũng tăng trở lại sau sự suy giảm mạnh của quý trước; Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, sau đó đến Úc và Ấn Độ. Các tài sản công nghiệp, khách sạn, văn phòng là 3 phân khúc hàng đầu thu hút đầu tư, đặc biệt là khách sạn Nhật Bản do sự gia tăng lưu lượng khách du lịch trong nước.

Tại Việt Nam, bất chấp sự suy giảm kinh tế toàn cầu, thị trường vẫn duy trì sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Đến cuối tháng 8/2023, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đăng ký tăng 69,5% so cùng kỳ năm trước, đạt 8,8 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu tăng ổn định từ tháng 4/2023.

Đặc biệt, bất động sản công nghiệp tiếp tục được đánh giá là lĩnh vực thúc đẩy đầu tư bất động sản. Vào tháng 7, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) ký Biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa phát triển một khu công nghiệp 650 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD. Trong khi Suntory Pepsico nhận được sự chấp thuận để xây dựng nhà máy mới tại Long An, có vốn 185 triệu USD. Đến tháng 8, liên doanh giữa Lineage Logistics và SK Logistics cũng công bố cải thiện và mở rộng hệ thống kho lạnh của Việt Nam…

Ngoài ra, ở lĩnh vực M&A, SkyWorld Development Berhad (Malaysia) đã mua 2.060 m2 đất tại quận 8, TP.HCM, từ Công ty cổ phần Thuận Thành với giá 14,3 triệu USD để phát triển dự án bất động sản nhà ở; Gamuda Berhad (Malaysia) mua 3,68 ha đất tại TP.Thủ Đức từ Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực, với số tiền xấp xỉ 315,8 triệu USD cho phát triển dự án đa dụng.

Tương tự, Tập đoàn Keppel (Singapore) cũng mua 65% cổ phần của một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại tại Hà Nội, với tổng giá trị 50,4 triệu USD; Công ty cổ phần Địa ốc First Real Land (Việt Nam) mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty cổ phần thương mại – dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu một lô đất 6.879 m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD;

 TẬN DỤNG SỨC CẦU TỪ PHÂN KHÚC NHÀ Ở

Mặc dầu có một số dấu hiệu tích cực nhưng ông Neil MacGregor, Giám đốc quản lý của Savills Việt Nam, nhận xét lúc này tại thị trường Việt Nam, với sự thiếu hụt nguồn cung căn hộ, thì các nhà đầu tư có khả năng phát triển thành công dự án mới cho thị trường, có thể tận dụng được sức cầu mạnh mẽ, nhất là nếu nhắm đến nhóm người mua để ở thuộc tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng. Riêng tại TP.HCM, hiệu suất hoạt động của phân khúc văn phòng vẫn mạnh mẽ, mặc dù nguồn cung hạng A mới khá dồi dào, song dự báo còn cơ hội cho nhà đầu tư và nhà phát triển.

Theo chuyên gia Savills, nhiều chủ đầu tư bất động sản nhà ở sẽ ra mắt sản phẩm mới vào giai đoạn cuối năm. Cùng với đó, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 vào cuối năm 2023, kỳ vọng giúp tăng tốc tiến độ cho những nhà phát triển. Mặt khác, các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong khi hoạt động M&A bất động sản ngày càng sôi động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn theo đuổi việc giảm lãi suất là tín hiệu tốt cho bất động sản nhà ở thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội lưu ý, các doanh nghiệp nước ngoài đã cam kết giảm thiểu phát thải ròng về 0 đến năm 2030, nên họ luôn lựa chọn phương án xanh hơn đối với bất động sản, kéo theo nhu cầu sản phẩm bất động sản xanh được đẩy lên cao. Do đó, đòi hỏi nhà đầu tư tại Việt Nam phải theo kịp thị trường, mang tới thêm những sản phẩm bất động sản đáp ứng tiêu chí xanh và ESG.

“Xu hướng xanh hóa đã ghi nhận với sản phẩm văn phòng, bán lẻ, nhà ở và tiếp đó tới sản phẩm bất động sản công nghiệp. Một số chủ đầu tư quốc tế, cùng chủ đầu tư Việt Nam hiện đang lên kế hoạch đầu tư vào một số giải pháp công nghệ cao cho bất động sản công nghiệp, nhằm thu hút thêm nhu cầu nhà xưởng xanh. Điều này sẽ tác động tích cực tới thị trường để thị trường phát triển theo xu hướng xanh và bền vững hơn”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.

Còn ở cấp độ khu vực, theo chuyên gia, 2023 vẫn là một năm đầy thách thức với thị trường, khi dự đoán tăng trưởng tại hầu hết các nước châu Á – Thái Bình Dương đều chỉ ở mức dưới trung bình so với trước Covid. Tuy vậy, nếu so sánh với bức tranh triển vọng tăng trưởng rất ít của các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu, kinh tế châu Á lại trở nên nổi bật hơn cả. Một loạt Hiệp định Thương mại sắp ký kết kỳ vọng càng đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển của kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sau đại dịch.

Nguồn: vneconomy.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *