Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để có thể duy trì dòng đầu tư nước ngoài, thậm chí là có thể thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong thời gian tới.

a t4
Gần đây, các tập đoàn công nghệ lớn không ngừng đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Nhà đầu tư ngoại tăng tốc vào Việt Nam

Uniqlo – thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản, vừa chính thức công bố kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn là Hải Phòng và TP.HCM, với 2 cửa hàng mới tại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng) và Parc Mall (TP.HCM). Đây chính là hai cửa hàng thứ 25 và 26 của Uniqlo, sau gần 5 năm vận hành tại Việt Nam.

“Việc khai trương các cửa hàng bán lẻ tại các thành phố chiến lược là một phần quan trọng trong kế hoạch dài hạn của chúng tôi tại Việt Nam”, ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam nói.

Uniqlo không phải là nhà đầu tư duy nhất mong muốn mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Có tới 7 doanh nghiệp Trung Quốc vừa nhận được sự chấp thuận từ phía TP. Hải Phòng để đầu tư và tiếp tục tăng vốn đầu tư vào thành phố cảng này, với tổng vốn đăng ký 190 triệu USD.

Ngoài các dự án đã chính thức được “chốt”, còn một loạt biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc của lãnh đạo TP. Hải Phòng mới đây. Một trong số này chính là MOU về việc Công ty TNHH Exquisite Power Việt Nam dự kiến mở rộng dự án lắp ráp pin cho điện thoại di động và máy tính xách tay tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, với vốn đầu tư tăng thêm gần 100 triệu USD…

Kể từ đầu năm tới nay, bên cạnh khoảng 10,76 tỷ USD vốn đăng ký mới, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư mở rộng 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các dự án tăng thêm, đáng chú ý có dự án bán dẫn của Amkor, tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD.

Đây chính là những khoản đầu tư không nhỏ, tiếp tục chứng minh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Và không chỉ là vốn tăng, mà theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh, nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng.

Những động thái này có lẽ góp phần quan trọng trả lời cho câu hỏi được đặt ra trong Báo cáo “Vietnam at a glance – FDI” (tạm dịch là: Cái nhìn tổng quan về FDI Việt Nam), do Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC công bố hôm 8/8. Trong báo cáo, các chuyên gia của HSBC đã đặt câu hỏi rằng, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trở nên căng thẳng, liệu Việt Nam có thể duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đổ về kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007 hay không?

Sẵn sàng đón dòng vốn lớn

Đặt câu hỏi, nhưng chính HSBC đã trả lời và khẳng định về sự hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam. Thậm chí, các chuyên gia của HSBC còn cho rằng, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm và hiện tại, “có thể so sánh với Singapore”.

Việc tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu chính là một trong các yếu tố, theo HSBC, khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những nền tảng thuận lợi khác của Việt Nam là chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ khu vực đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các chính sách ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, còn là những thuận lợi liên quan đến các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các đối tác, trình độ lao động, sự tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư của Chính phủ…

Trong báo cáo, HSBC cũng nhắc đến dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là của Samsung, đã đổ vào Việt Nam trong thời gian qua. Và gần đây, là xu hướng các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục trong năm 2023. “Nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm này đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào năng lực sản xuất của Việt Nam”, báo cáo của HSBC nhận định.

Đó là một thực tế, bởi gần đây, các tập đoàn công nghệ lớn đã không ngừng đầu tư vào Việt Nam. Amkor chỉ là một ví dụ. Bên cạnh đó, còn có Foxconn, Quanta, Goertek, LG…

Tập đoàn Foxconn hồi đầu năm nay đầu tư một dự án hơn 383 triệu USD ở Bắc Ninh và mới đây, tiếp tục đầu tư 550 triệu USD ở Quảng Ninh. Trong khi đó, Tập đoàn Hyosung sau khi đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Việt Nam, đang có kế hoạch đầu tư một trung tâm dữ liệu 300 triệu USD ở TP.HCM, đồng thời dự kiến đưa Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến của Việt Nam và khu vực.

Bên cạnh các dự án trên, Tập đoàn Adani của tỷ phú giàu nhất châu Á, với khối tài sản 122 tỷ USD – Gautam Adani, cũng lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam thời gian tới, với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Theo kế hoạch, Adani muốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào cảng Liên Chiểu, 2,8 tỷ USD vào Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Ngoài ra, Tập đoàn còn mong muốn đầu tư vào các dự án Sân bay Long Thành giai đoạn II, Sân bay Chu Lai…

“Với khả năng về tài chính, kỹ thuật, chúng tôi sẽ tham gia sâu vào nhiều dự án tại Việt Nam. Cam kết của cá nhân tôi là như vậy”, ông Gautam Adani nói với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Ấn Độ mới đây và bày tỏ mong muốn Thủ tướng thúc đẩy để Tập đoàn thực hiện tốt cam kết này.

Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các cơ quan, địa phương liên quan trao đổi trực tiếp với Tập đoàn Adani ngay sau cuộc gặp đó để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan, thống nhất cách làm, triển khai các thủ tục theo quy định. Và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng ngay lập tức có cuộc làm việc với Tập đoàn Adani.

Tại đây, sau khi lắng nghe các thắc mắc và các vấn đề đặt ra với Adani trong quá trình thúc đẩy các dự án tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nói: “Các bạn có vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì, hãy chia sẻ và trao đổi với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam nghiên cứu, tháo gỡ, hỗ trợ”.

Sự cởi mở và cầu thị ấy chính là những yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất để Việt Nam có thể tiếp tục đón dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *