Việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc) chính thức hoạt động được đánh giá là khởi đầu để phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã bày tỏ mong muốn phát triển các dự án đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam như chip bán dẫn, hydrogen xanh…
Được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021, NIC Hòa Lạc là một tòa nhà với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, là biểu tượng cho sứ mệnh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, tạo nên các giá trị đột phá, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển vươn xa, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Các tập đoàn lớn quan tâm tới Việt Nam
Đặc biệt, trong sự kiện khánh thành NIC Hòa Lạc, các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, Signify, John Cokerill, các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu như Phygital Labs với sản phẩm công nghệ lõi Nomion – Định danh số vạn vật đã tham gia triển lãm đổi mới sáng tạo, với mong muốn thúc đẩy đầu tư và hợp tác.
Theo đó, phòng lab Samsung Innovation Campus và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip đã chính thức được khánh thành. Phòng lab Samsung Innovation Campus thể hiện cam kết của tập đoàn Hàn Quốc trong việc hỗ trợ tích cực NIC trở thành cái nôi trong việc đào tạo nhân tài công nghệ, dẫn dắt công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia tương lai.
Trung tâm ươm tạo thiết kế chip là bước đi hiện thực hóa thỏa thuận giữa Synopsys và NIC ký kết vào tháng 9 vừa qua nhằm phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế chip tại Việt Nam.
Cùng với đó, ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK bày tỏ mong muốn phát triển đầu tư ở Việt Nam lên một tầm cao mới. Tập đoàn sẽ đồng hành cùng tiến trình dịch chuyển năng lượng sang xanh, sạch và xa hơn, cùng hiện thực hóa mục tiêu Net Zero của Việt Nam bằng việc tận dụng những giải pháp năng lượng trọng tâm gồm: công nghệ phát điện Hydrogen, công nghệ thu hồi, lưu giữ carbon (CCUS), SMR và giải pháp lưu trữ năng lượng ESS mà SK đang nắm giữ.
Về công nghệ số, để giảm thiểu chênh lệch thông tin trong cộng đồng, để người dân không phân biệt tuổi tác, tầng lớp có thể tiếp cận thông tin, SK mong muốn xây dựng một tiến trình số hóa có áp dụng giải pháp công nghệ như AI, Trung tâm dữ liệu, Bán dẫn.
“Trên quan điểm xây dựng nền móng cho kinh tế tăng trưởng bền vững, chúng tôi muốn kiến tạo những cơ hội việc làm thông qua các dự án hỗ trợ khởi nghiệp và đầu tư vào các nhóm ngành tạo giá trị gia tăng cao”, ông Chey Tae-won cho biết.
Ngoài ra, SK cũng mong muốn xây dựng giải pháp sản xuất thông minh và tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong tương lai do dân số già hóa.
Bên cạnh đó, tập đoàn này muốn tận dụng công nghệ nông nghiệp tiên tiến đang nắm giữ để triển khai các dự án xây dựng hệ thống phân phối lạnh, sản xuất phân bón ít carbon nhằm hướng tới sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.
“Chúng tôi muốn đồng hành với Chính phủ Việt Nam, các tập đoàn kinh tế và tất nhiên cả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các công ty khởi nghiệp”, ông Chey Tae-won chia sẻ.
Tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ quan tâm tới lĩnh vực hydrogen xanh – nguồn năng lượng của tương lai. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng cần có cơ chế, chính sách cởi mở và hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Asheeshs Sastry, Đối tác cấp cao, Giám đốc năng lượng châu Á – Thái Bình Dương BCG, để phát triển được hydrogen xanh, Việt Nam cần có thị trường trong nước đủ mạnh, nếu không có thị trường trong nước đủ mạnh thì khó mà xuất khẩu được hydrogen xanh trong tương lai.
Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 (Global Innovation Index 2023 – GII) được công bố vừa qua, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57.
Tuy nhiên, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng, để khắc phục những điểm hạn chế về cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Về phía Chính phủ, để thu hút, hội tụ trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các startup.
Đồng thời, nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các startup công nghệ, tạo khả năng huy động vốn cho startup, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ; khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về thuế.
Trước mong muốn của nhiều nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN và các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp cần mạnh dạn, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, tận dụng nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế. Trong đó, hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những cơ chế thử nghiệm, đặc thù cho các đối tượng, lĩnh vực đổi mới sáng tạo có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới cho nền kinh tế của chúng ta phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen, y tế, giáo dục thông minh; chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải phát huy tinh thần hợp tác, kết nối hiệu quả, bền vững, toàn diện giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cùng với khối doanh nghiệp, tập đoàn lớn; khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo; khối viện nghiên cứu, trường đại học; khối tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, các vườn ươm đổi mới sáng tạo…