(FDI Việt Nam) – Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt xuất xứ hàng hoá, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng sang các thị trường mới.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hoá, khai tăng tốc khai mở các thị trường xuất khẩu mới tại cuộc họp của Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ.
Ông đề nghị các thành viên của Tổ công tác và các cơ quan liên quan tiếp tục các biện pháp ngoại giao trên các kênh khác nhau để tác động tới các cơ quan của Mỹ có giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Liên quan đến vấn đề thuế và xuất xứ hàng hóa, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án giảm thuế nhập khẩu, đồng thời phối h
ợp với các bộ, ngành xây dựng thỏa thuận song phương với Mỹ theo hướng nâng cấp Hiệp định Thương mại song phương (BTA), trong đó bổ sung các nội dung về thuế, sở hữu trí tuệ và kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa nhằm đảm bảo minh bạch và tuân thủ cam kết quốc tế.
“Đối với vấn đề phi thuế quan, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật. Những nội dung bất hợp lý, dù áp dụng cho doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, cần được xem xét loại bỏ, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền loại bỏ”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đến đầu năm 2025, thế giới ghi nhận khoảng 328 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực – tăng đáng kể so với con số 98 FTA vào năm 2000. Việt Nam hiện đã ký kết và triển khai thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn, bao gồm các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA.
Nhằm mở rộng thị trường xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương tập trung quảng bá, phổ biến sâu rộng nội dung của các FTA đã ký, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường mới. Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với yêu cầu của từng thị trường, đặc biệt trong việc đảm bảo xuất xứ hàng hóa và cập nhật kịp thời các chính sách liên quan từ nước nhập khẩu.

Chiều 8/4, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ chính thức công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương – FTA Index năm 2024.
Việc công bố FTA Index năm 2024 là một dấu mốc quan trọng, thể hiện bước tiến mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
FTA Index được xây dựng như một công cụ đánh giá định lượng, khách quan và toàn diện, phản ánh tình hình thực hiện và mức độ tận dụng các hiệp định thương mại tự do tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
FTA Index sẽ được triển khai định kỳ hằng năm nhằm kịp thời nhận diện các điểm nghẽn trong quá trình thực thi cam kết FTA tại các địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể giúp nâng cao hiệu quả điều hành chính sách xuất nhập khẩu, đặc biệt là công tác kiểm soát và minh bạch xuất xứ hàng hóa.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch lan rộng, việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng từ 10% đến 49% đối với hàng hóa nhập khẩu càng làm nổi bật vai trò của các Hiệp định thương mại tự do.
Các FTA mà Việt Nam đã ký kết không chỉ đóng vai trò như “xa lộ lớn” thúc đẩy trao đổi thương mại quốc tế, mà còn là “cánh cửa mở” kết nối nền kinh tế Việt Nam với thế giới, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất khẩu.
Việc thực thi hiệu quả các FTA trong thời gian qua cũng góp phần quan trọng giúp Việt Nam từng bước hội nhập sâu vào chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu, cải thiện cán cân thương mại, và duy trì trạng thái xuất siêu trong nhiều năm liên tiếp.
Nguồn: Báo đầu tư