Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhờ vào làn sóng mở rộng đầu tư FDI sang Đông Nam Á. Dù vậy, theo nhận định của chuyên gia, chất lượng lao động, logistics và môi trường pháp lý vẫn là 3 nút thắt chính trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…
Tính đến ngày 20/2, dòng vốn ngoại vẫn tích cực vào Việt Nam, đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Những nỗ lực xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh đã mang lại hiệu quả, cùng với đó Việt Nam cũng đang nhận được thuận lợi nhờ làn sóng mở rộng đầu tư sang Đông Nam Á của các doanh nghiệp.
CẦN THÁO GỠ NÚT THẮT
Theo một khảo sát mới đây của AmCham (Hiệp hội thương mại Mỹ) tại Trung Quốc, 60% công ty Mỹ đang ngày càng quan ngại về những căng thẳng song phương và hơn 40% đã phản hồi rằng họ đang tìm cách gia tăng đầu tư nhằm củng cố sự vững vàng cho chuỗi cung ứng. Trên 50% cho biết đối với họ, Đông Nam Á vẫn là điểm đến hàng đầu để chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc.
Mặt khác, khảo sát từ EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu) cũng cho thấy, các công ty châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng của họ với ASEAN, vì đây vốn được chọn là điểm đến hàng đầu cho những chiến lược chuyển dịch đầu tư.
Tại Việt Nam, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm nay đến ngày 20/02/2024, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI cũng tăng mạnh trong tháng 2 tháng đầu năm 2024. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt hơn 48,87 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ, chiếm 72,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 48,57 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ, chiếm 72,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Dù đang đứng trước triển vọng từ thu hút FDI, song theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam cũng cần xác định các trở ngại, nút thắt trong thu hút đầu tư nước ngoài và cần tìm cách tháo gỡ.
Thứ nhất là chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động. Việt Nam cần liên tục cải thiện năng suất bởi vẫn đứng sau các nước lớn trong khu vực về năng suất lao động, với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp. Số liệu từ Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy, trong năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.
Thứ hai là chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam tụt lại sau Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất.
“Hạ tầng logistics tại Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải. Trong khi đó nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển để hỗ trợ cho xuất khẩu”, ông Tim Evans cho biết thêm.
Thứ ba là về môi trường pháp lý. Khảo sát HSBC Global Connection chỉ ra rằng các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, 30% công ty gặp khó khăn với việc thích nghi các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng.
Ngoài tháo gỡ những nút thắt về thu hút FDI, theo ông Tim Evans, Việt Nam cần có chiến lược nhằm thu hút thêm FDI với khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN.
Đơn cử như Singapore và Malaysia, đây là 2 thị trường Đông Nam Á đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn. Trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch và Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: “Việt Nam cũng đang dần dấn thân vào cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn. Theo đó, Việt Nam cần hướng đến việc gia tăng tập trung vào hàng hóa giá trị cộng thêm cao, đồng thời vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường. Bởi Việt Nam có lợi thế giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều thỏa thuận FTA có hiệu lực và thái độ làm việc của người dân Việt Nam”.
SÔI ĐỘNG THU HÚT FDI VÀO VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 38 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2024.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023; Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 525,7 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp gần 5,1 lần so với cùng kỳ; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…
Dòng vốn FDI chảy vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.
Trong danh sách dự án cấp phép đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2024 tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ yếu là các dự án nhỏ và vừa, đầu tư chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất là dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng vốn 278 triệu USD.
Đáng chú ý, vừa qua đã diễn ra sự kiện Khu công nghệ cao TP.HCM ký kết hợp tác với Công ty Siemens EDA (thuộc Tập đoàn Siemens) để đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và việc Công ty BE Semiconductor Industries N.V (BESI) của Hà Lan hoàn thành công đoạn chuẩn bị để đưa máy móc phục vụ đóng gói chip vào hoạt động tại nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Tuy nhiên, Đồng Nai mới là địa phương có hoạt động thu hút đầu tư sôi động nhất trong 2 tháng đầu năm tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ trong vòng 1,5 tháng đầu năm 2024, địa phương này đã cấp phép cho 27 dự án đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dự án cấp mới và tăng vốn) với tổng vốn đầu tư 439 triệu USD. Những tên tuổi lớn tiếp tục đặt niềm tin đầu tư vào Đồng Nai như SLP, Nestlé, Hyosung, Kenda…
Nguồn: vneconomy.vn