Đà tăng chững lại sau phiên bùng nổ hôm qua, chủ yếu do dòng tiền thận trọng trở lại. Lực cầu giá cao vẫn đủ để duy trì mức phân hóa với cổ phiếu và nâng đỡ một số trụ, nhưng không đủ để tạo áp lực mạnh hơn. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn giảm 14% so với sáng hôm qua…
Đà tăng chững lại sau phiên bùng nổ hôm qua, chủ yếu do dòng tiền thận trọng trở lại. Lực cầu giá cao vẫn đủ để duy trì mức phân hóa với cổ phiếu và nâng đỡ một số trụ, nhưng không đủ để tạo áp lực mạnh hơn. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn giảm 14% so với sáng hôm qua.
Nhóm cổ phiếu blue-chips đã không có sức mạnh cần thiết, VN30-Index chốt phiên sáng tăng quá yếu 0,21% với 12 mã tăng/17 mã giảm. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có HPG tăng 1,37% và FPT tăng 1,72% là đáng kể.
Thực ra nhóm trụ thậm chí còn kìm hãm đà đi lên của VN-Index. Tới 6/10 mã lớn nhất đang đỏ, dù không có cổ phiếu nào quá kém. Những mã cực lớn như BID, VHM, CTG cũng nằm trong số đỏ. Thanh khoản của rổ VN30 cũng giảm tới 14%. Ba mã tốt nhất là HPG tăng 1,37% giao dịch 403,8 tỷ đồng; VNM tăng 3,04% với 325 tỷ và FPT tăng 1,72% với 254,6 tỷ. VNM đang là cổ phiếu kéo điểm tốt nhất nhưng mã này giảm nhiều trong tháng 4 nên đã “văng ra” khỏi Top 10 vốn hóa.
Giao dịch trên HoSE cũng đang giảm hơn 10% so với sáng hôm qua, đạt khoảng 7.462 tỷ đồng khớp lệnh. Dù vậy cổ phiếu vẫn duy trì được độ cân bằng với 200 mã tăng/199 mã giảm. Thực tế sáng nay đã xuất hiện một đợt chốt lời nhẹ, lúc 10h12 VN-Index đã rơi xuống dưới tham chiếu và tạo đáy khoảng 10h15, giảm gần 1,5 điểm. Độ rộng tại đáy khá hẹp với 142 mã tăng/231 mã giảm. Điều này cho thấy có lực bán xuất hiện ở nhiều cổ phiếu, tuy nhiên sau đó cầu đỡ đủ tốt để cân bằng và thanh khoản yếu có thể xem là tín hiệu tốt.
VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 2,9 điểm tương đương +0,23%. Midcap tăng 0,38% và Smallcap tăng 0,25%. Biên độ tăng ở cổ phiếu không ấn tượng, trong 200 mã xanh thì chỉ có 76 mã tăng được hơn 1% với mức tập trung thanh khoản khoảng 35,3% tổng giá trị khớp của sàn này. Ngoài ra thanh khoản cũng chủ yếu dồn vào HPG, VNM, FPT, TCH, DBC, GMD, VJC, DCM và PLX, chiếm tới 71% giao dịch ở nhóm mạnh nhất nói trên.
Tín hiệu chốt lời có thể thấy khá rõ qua biên độ tụt giá ở nhiều cổ phiếu. Ví dụ nhóm VN30 đầu phiên gần như xanh toàn bộ, chỉ TCB, VRE tham chiếu, nhưng sau đó yếu đi trông thấy. Một nửa số cổ phiếu trong rổ (15 mã) trượt trên 1% so với giá đỉnh đầu ngày, thậm chí các mã còn khỏe như FPT cũng để “rơi” 1,37%, PLX rơi 1,16%. Mở rộng ra toàn sàn HoSE, khoảng 44% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay đã tụt tối thiểu 1% so với giá đỉnh của ngày.
Diễn biến chốt lời xuất hiện là điều hoàn toàn bình thường vì trong ngắn hạn lợi nhuận đang tốt. Điểm tích cực là áp lực bán khá chậm, chọn giá cao hơn là xả thẳng tay. Phía dưới các bước giá sâu vẫn đang có lực cầu chờ đợi nên thanh khoản giảm trong tình huống này là có lợi, chỉ cần cầu dâng cao hơn là có thể nâng đỡ được giá. Sự giằng co sáng nay là do không bên nào thực sự lấn át được phía đối diện.
Rổ VN30 sáng nay chỉ đóng góp 6 mã tăng trên 1%, còn lại toàn là các mã vừa tới nhỏ, thanh khoản hạn chế. ST8, CMG, ELC, YEG, HHS, PTB, PVP, SCS, VSC, AAA là các mã thanh khoản trên 10 tỷ đồng và giá tăng hơn 2%. Số lượng không nhiều cũng là một tín hiệu đáng chú ý, vì thông thường thị trường giằng co do trụ neo giữ, các mã đầu cơ nhỏ thường dễ tăng nóng.
Phía giảm giá sáng nay dù khá nhiều về số lượng (199 mã) nhưng cũng không có giao dịch đáng chú ý nào. Số giảm trên 1% là 49 mã, thanh khoản chỉ chiếm 11,6% sàn HoSE. NVL giảm 2,01% với gần 254 tỷ, VRE giảm 1,5% với 78,6 tỷ, DXG giảm 1,46% với 43 tỷ, HDB giảm 1,44% với 93,4 tỷ, ASM giảm 1,33% với 45,1 tỷ, DPG giảm 1,21% với 20,9 tỷ, DIG giảm 1,07% với 181,2 tỷ, VCI giảm 1,03% với 90,1 tỷ là đáng kể nhất.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch khá chán nản, mức bán ròng -62,2 tỷ. Bán nhiều nhất là TCB -38,5 tỷ, HDB -24,2 tỷ, GMD -22,3 tỷ, VHM -22,1 tỷ. Phía mua tập trung vào HPG +88,5 tỷ, VNM +74,7 tỷ, MWG +20,5 tỷ.
Nguồn: vneconomy.vn