Chính phủ Canada cũng như chính quyền Quebec luôn dành ưu tiên cho Việt Nam và coi Việt Nam là điểm giao cắt mới trong chuỗi giá trị toàn cầu nhờ những tiềm năng trong các lĩnh vực mũi nhọn.
Sau 5 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyến Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Canada đã tăng từ 3,86 tỷ USD năm 2018 lên tới 7,03 tỷ USD năm 2022.
Riêng nửa đầu năm 2023, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada đã đạt 3,6 tỷ USD, khiến nhiều doanh nghiệp ở tỉnh bang Quebec rất quan tâm.
Sự quan tâm nói trên được thể hiện qua việc tham gia đông đảo của cả đại diện chính quyền, doanh nghiệp, các công ty tư vấn trong các hội thảo và diễn đàn về chủ đề “Việt Nam, cánh cửa vào Ấn Độ-Thái Bình Dương cho các doanh nghiệp Quebec.”
Những sự kiện này được coi là cơ hội để đánh giá lại mức độ nhận biết về CPTPP, sơ kết việc thực hiện hiệp định và lập kế hoạch trong tương lai cho doanh nghiệp Canada.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Vụ trưởng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương Gabriel Chartier của Bộ Quan hệ Quốc tế và Pháp ngữ Quebec cho biết từ năm 2021, cơ quan này đã bắt đầu khởi động Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình, trong đó xác định Việt Nam và các nước châu Á là khu vực quan trọng để mở rộng các hoạt động kinh doanh tại đó.
Cơ quan đầu tư quốc tế Quebec được thành lập chịu trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh muốn làm ăn và phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam và Quebec đang có khoảng 125 dự án hợp tác giữa hai bên. Quan hệ thương mại song phương đã đạt hơn 1,5 tỷ USD, trong đó Quebec chủ yếu xuất khẩu hàng điện tử, nông sản và thiết bị y tế sang Việt Nam, đồng thời nhập khẩu từ Việt Nam hàng điện máy, giày dép và quần áo.
Hai bên đang dự kiến sẽ triển khai những dự án hợp tác mới, góp phần làm đa dạng thêm các mối quan hệ hợp tác trên mọi mặt từ văn hóa, phát triển bền vững đến nghiên cứu công nghệ.
Đánh giá về tiềm năng thị trường Việt Nam, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương George Monize của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Nhà nước Canada (EDC) cho biết Việt Nam thực sự là một thị trường tuyệt vời.
Hai bên đã đạt thương mại song phương hơn 7 tỷ USD trong một thời gian ngắn, với ba điểm hấp dẫn về Việt Nam. Đó là quy mô trong số các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng GDP và tầng lớp trung lưu đang phát triển.
Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương được EDC đánh giá là điểm đến quan trọng để doanh nghiệp Canada tìm kiếm cơ hội đa dạng thương mại hóa.
Khu vực này là nơi có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và có khối thương mại lớn thứ hai đối với hàng hóa dịch vụ của Canada.
Quy mô của khu vực này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều tiềm năng chưa được khai thác đối với các nhà xuất khẩu Canada.
Đối với tỉnh bang Quebec, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện là thị trường xuất khẩu quốc tế lớn thứ hai và cũng là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất những năm qua.
Kể từ khi triển khai CPTPP, Quebec đã hỗ trợ cho hơn 250 doanh nghiệp của tỉnh bang này mở rộng hoạt động sang Việt Nam.
Ông Remy Franzoni, Chủ tịch Groupe Engram – công ty tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Quebec, nhận xét Việt Nam có thế mạnh về công nghệ và điện tử.
Ông cho biết khi đề cập tới Việt Nam với khách hàng của mình, mọi người rất tò mò và hứng thú về cơ hội hợp tác. Theo ông, đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức của mọi người về Việt Nam, về cơ hội mới bên ngoài các thị trường truyền thống.
Quan hệ Việt Nam-Canada đang góp phần hiện thực hóa Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Canada và quan hệ Đối tác Chiến lược của Canada với ASEAN.
Chính phủ Canada cũng như chính quyền Quebec luôn dành ưu tiên cho Việt Nam và coi Việt Nam là điểm giao cắt mới trong chuỗi giá trị toàn cầu bởi những tiềm năng trong một số lĩnh vực mũi nhọn.
Quebec hiện có một nền kinh tế năng động và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo.
Ông Franzoni cho rằng còn rất nhiều tiềm năng mà hai bên mới đang chỉ chạm vào phần trên cùng. Theo ông, hai bên cần tiếp tục nâng cao chuyên môn của mình trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Phía Quebec hiện mới chỉ đáp ứng được trong một số lĩnh vực cụ thể, còn rất nhiều cơ hội. Ông cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tốt để đi tới thành công và mang lại nhiều lợi ích cho Canada và Việt Nam.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN và là điểm đến hàng đầu đối với hàng hóa Canada xuất khẩu vào ASEAN.
Do vậy, Việt Nam được đánh giá có thể đóng vai trò cửa ngõ cho các công ty Canada muốn phát triển tại khu vực này, nơi đang có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới và sẽ là trung tâm tiêu dùng của thế giới vào năm 2030 nhờ quy mô thị trường.
Ông Monzie chia sẻ với phóng viên TTXVN rằng EDC hiện xây dựng một trung tâm hỗ trợ xuất khẩu tại Đông Nam Á.
Do rất khó để có thể đưa ra một quyết định tín dụng từ phía bên kia của bán cầu và cũng rất khó để có thể hiểu được về văn hóa cũng như những chuẩn mực vì mọi chuyện phải có thời gian, song EDC đang cố gắng xây dựng quan hệ, xây dựng một trung tâm hỗ trợ các hoạt động để có thể thực hiện nghĩa vụ của mình với khách hàng Canada cũng như Việt Nam./.
Nguồn: vietnamplus.vn