Việt Nam đã có tên trong danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (gọi tắt là Hub) thuộc mạng lưới WLP từ tháng 5/2021. Hiện Việt Nam là một trong 20 Hub quan trọng của WLP…
Ngày 14/8, tại Hà Nội, Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Lễ ký kết và Diễn đàn “Sáng kiến hộ chiếu logistics thế giới và khai phá tiềm năng hợp tác về logistics giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)”.
Sáng kiến “Hộ chiếu Logistics Thế giới” (WLP) là một trong 9 sáng kiến thuộc Chiến lược “Con đường Tơ lụa Dubai” được UAE triển khai từ năm 2019. Đến nay, đã có 29 quốc gia đăng ký tham gia mạng lưới WLP.
Việt Nam đã có tên trong danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (gọi tắt là Hub) thuộc mạng lưới WLP từ tháng 5/2021. Hiện Việt Nam là một trong 20 Hub quan trọng của WLP.
Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam khi được UAE cấp WLP đều được tạo thuận lợi về thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian lưu kho … Một số cảng của UAE thực hiện miễn giảm thuế, phí cho hàng hóa có hộ chiếu WLP. Hàng hóa khi qua con đường tơ lụa Dubai sẽ tiết kiệm tiền lưu kho, lưu thông hàng hoá thông suốt từ nơi xuất phát đến đích.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định, UAE là một trong những nền kinh tế hàng đầu trong khối Ả rập và nằm trong nhóm 25 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới.
Với vị trí nằm giao thoa giữa 3 châu lục (châu Á, châu Âu, châu Phi), UAE là điểm trung chuyển quá cảnh quan trọng trên con đường giao vận quốc tế. Phát huy lợi thế này, vào năm 2019 UAE đã triển khai chiến lược con đường tơ lụa Dubai, với tham vọng đưa Dubai trở thành nơi liên kết thương mại chiến lược trên thế giới.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực và trên thế giới. Hiện Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của Asean. Đồng thời là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 735 tỷ USD. Việt Nam đã tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới.
UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Ngược lại, Việt Nam thuộc top 10 đối tác nhập khẩu lớn của UAE. Giai đoạn 2018-2022 thương mại hai nước được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước ở khu vực Trung Đông.
Trong lĩnh vực logistics, Việt Nam xếp thứ 11/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022-2027 dự báo đạt mức 5,5%. Việt Nam hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong cung ứng logistics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa.
Chính vì vậy, sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và UAE trong lĩnh vực logistics sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với không chỉ UAE mà còn với khu vực Trung Đông và các khu vực khác trên thế giới.
Đánh giá tính vượt trội của WLP, đại diện cho Chương trình WLP, ông Abdulla Alsuwaidi, Giám đốc mạng lưới trung tâm và Đối tác toàn cầu WLP chia sẻ, WLP đã có những sáng kiến chủ động thông quan hàng hoá. Tại Dubai, WLP có thể thông quan hàng hoá trong 1 ngày, như vậy khách hàng có thể tiết kiệm được 6 ngày. Đây chính là nền tảng cho Chương trình WLP.
Không chỉ tiết kiệm thời gian, Dubai còn tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp cũng như tạo ra cơ hội thị trường mới. Tư duy đổi mới chính là khái niệm cơ bản của Chương trình WLP khiến cho thương mại dịch chuyển thuận lợi, tối đa hoá thời gian. Hơn nữa, WLP tạo ra những giải pháp thông minh để giải quyết những thách thức về hậu cần hiện nay.
Ông Trần Quang Huy cho rằng thông qua những hoạt động hợp tác với WLP trong thời gian tới, các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam sẽ thu được những lợi ích đáng kể trong hoạt động vận tải hàng hóa, dịch vụ logisitcs. Cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh, góp phần hiệu quả giảm thiểu chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Song đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý, WLP và các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội của Việt Nam cần tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, tập trung tháo gỡ các nút thắt của chuỗi cung ứng trong từng lĩnh vực và ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị gián đoạn do những ảnh hưởng của tình hình bất ổn trên toàn thế giới.
Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhiều đối tác tiềm năng của Việt Nam tham gia vào mạng lưới WLP, phát huy hiệu quả vị trí chiến lược của Việt Nam là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực và thế giới.
Nguồn: vneconomy.vn