Startup edtech (công nghệ giáo dục) Việt Nam đang không ngừng hút vốn đầu tư, bất chấp những tín hiệu ảm đạm của thị trường gọi vốn toàn cầu.

Gần đây, Prep, startup có trụ sở đặt tại Hà Nội, đã gọi thành công vòng vốn Series A với trị giá 7 triệu USD.

Thành lập năm 2020 bởi hai đồng sáng lập CEO Tú Phạm và CTO Nam Trần, Prep là một nền tảng luyện thi tiếng Anh kết hợp giữa hình thực trực tiếp và trực tuyến. Bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Prep cung cấp các kế hoạch học tập được cá nhân hóa, cũng như phòng luyện thi ảo để hỗ trợ học sinh luyện nói, viết tốt hơn.

Vòng gọi vốn lần này của Prep do Công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân Northstar Ventures và công ty quản lý tài sản toàn cầu Cercano Management Asia cùng dẫn đầu. Trong đó Cercano Management Asia là nhà đầu tư mới, còn Northstar Ventures từng rót vốn cho Prep ở vòng hạt giống.

Theo CEO Tú Phạm, với mô hình học phí phải chăng, dịch vụ của Prep không chỉ dễ dàng tiếp cận đối với học sinh ở các thành phố lớn mà còn giúp tăng cường khả năng tiếp cận tri thức của học sinh ở các thị trấn và thành phố cấp hai và cấp ba. Và kết quả của lần gọi vốn này là cột mốc quan trọng trong hành trình Prep hiện thực hóa tầm nhìn, hướng tới dùng AI để mỗi người học có một cố vấn hỗ trợ riêng.

Bên cạnh Prep, tháng 4 vừa qua, một startup công nghệ giáo dục khác của Việt Nam cũng gọi vốn thành công, đó là Kapla. Thành lập năm 2022, Kapla định vị là hệ thống tiếng Anh sáng tạo Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Startup hướng đến không chỉ giúp trẻ em phát triển khả năng ngôn ngữ mà còn phát triển năng lực tư duy, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề.

Vòng gọi vốn của Kapla không được tiết lộ chi tiết, chỉ biết startup nhận vốn từ Excelsior Capital Vietnam Partners (ECVP) – nhánh đầu tư Việt Nam của quỹ đầu tư Excelsior Capital Asia có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Trong bối cảnh “mua đông gọi vốn” chưa qua tại khu vực Đông Nam Á, có thể thẩy, các startup công nghệ giáo dục Việt Nam vẫn chứng tỏ sức hút không nhỏ với nhà đầu tư. Ngay trong tháng 3/2024, startup NativeX tạo cú hích‏‏ ‏‏cho thị trường edtech Việt Nam khi gọi vốn thành công 4 triệu USD trong vòng hạt giống sau 8 tháng ‏‏kể từ khi‏‏ thành lập. ‏ Nền tảng cung cấp giải pháp học tiếng Anh linh hoạt, phù hợp với người đi làm bận rộn, do đó đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư như Ansible Ventures, BluePrint Ventures và Northstar Ventures,…

công nghệ
Số vốn đầu tư rót vào startup Việt phân theo từng ngành trong giai đoạn 2013- 2023. Nguồn: Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.

Theo “Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” được NIC, Forbes Việt Nam và Do Ventures công bố, năm 2023, dù các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư giảm, nhưng tính riêng trong lĩnh vực giáo dục, nguồn vốn vẫn lên tới 67 triệu USD, tăng 107% so với năm 2022. Đây cũng là con số cao kỷ lục mà các startup giáo dục Việt Nam ghi nhận trong vòng 10 năm qua.

Các chuyên gia đánh giá Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để giới startup edtech nở rộ. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, kéo theo cầu về giáo dục gia tăng. Ngoài ra, phụ huynh Việt Nam có mối quan tâm lớn đến việc giáo dục của con cái.

Ông Đỗ Ngọc Lâm, nhà đồng sáng lập, CEO Vuihoc cho rằng trong giai đoạn Covid-19, các dự án Edtech nở rộ, nhưng Việt Nam không thu hút được nhiều vốn đầu tư. Tuy nhiên sau khi dịch kết thúc, các startup Edtech Việt đã chứng tỏ được sự bền bỉ khi tiếp tục phát triển dù việc học trực tiếp đã quay trở lại, từ đó thu hút dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

So với các đối thủ ngoại tham gia thị trường, startup edtech Việt Nam có lợi thế nhờ sự am hiểu về văn hóa, tập quán học tập. Trước đây, các edtech nước ngoài có thể có lợi thế hơn về nguồn vốn, công nghệ. Tuy nhiên hiện nay, đặc biệt sau sự ra đời của AI tạo sinh như ChatGPT, việc ứng dụng công nghệ ngày càng dễ dàng và công bằng cho tất cả.

“Edtech Việt Nam sẽ có lợi thế hơn nhờ hiểu được văn hóa, cách thức vận hành hệ thống giáo dục Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để edtech Việt chiếm lĩnh được thị trường”, ông Đỗ Ngọc Lâm khẳng định.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *