Đổi mới sáng tạo mở đang là xu hướng mới toàn cầu và là điều bắt buộc để các doanh nghiệp tồn tại. Vậy đã có bao nhiêu doanh nghiệp ở Việt Nam bắt kịp xu hướng này của thế giới? Và doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu?
Trực trạng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Câu hỏi đặt ra là: “Động lực nào để các ông sếp cho rằng công ty cần đổi mới sáng tạo?”. Nghiên cứu của KPMG chỉ ra rằng 77% lãnh đạo cho rằng tăng trưởng doanh thu là mục đích quan trọng nhất khi đổi mới sáng tạo.
Vậy thực trạng đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam ra sao? Bà Đỗ Thị Thu Hà – Phó Tổng Giám Đốc, Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính Phủ và Y tế Lãnh đạo Tư vấn Giải pháp ESG, KPMG Việt Nam & Campuchia – cho rằng: “Tại Việt Nam, phần nổi của tảng băng cho thấy thực trạng đổi mới sáng tạo còn thấp. Hiện còn nhiều doanh nghiệp cược toàn bộ vào R&D (quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới). Theo tôi, điều này không sai nhưng đây chưa phải cách tiếp cận sâu rộng, mà chỉ đi vào 1 khía cạnh của vấn đề. Hoặc các doanh nghiệp Việt Nam đang đưa ra các kế hoạch đổi mới quá rộng và tham vọng.
Thực tế vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ đội ngũ nhân sự có thực sự hiểu về đổi mới sáng tạo chưa? bản thân lãnh đạo có dám bỏ tư duy cũ để có góc nhìn mở chưa? Có vẻ như doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu kém về điều này”. Theo khảo sát của KPMG, 45% lãnh đạo cấp cao của các công ty cam kết và đồng hành với các nỗ lực đổi mới. 38% có ngân sách xác định cho các chương trình đổi mới. Tuy nhiên việc trao quyền cho người phụ trách về đổi mới sáng tạo là thấp. Thậm chí, có doanh nghiệp đưa các cán bộ trẻ, nhưng họ không có vị trí tốt trong công ty.
Đổi mới sáng tạo nên bắt đầu từ đâu?
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh – CEO BambuUP, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Giải pháp cho vấn đề này chính là đổi mới sáng tạo mở, cần tận dụng nguồn lực bên ngoài để tìm đối tác hợp tác làm đổi mới sáng tạo.
Lấy ví dụ về đổi mới sáng tạo, bà Đỗ Thị Thu Hà chọn hình ảnh một con vịt lững lờ trên mặt nước nhưng ở dưới nước, chân đạp nhanh lao về phía trước. Theo bà Hà, một doanh nghiệp muốn đổi mới sáng tạo thì cần có góc nhìn khác. Đổi mới sáng tạo là một quá trình lặp đi lặp lại và cần sự tham gia của nhiều bên liên quan. Cần có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như các trường đại học trong vai trò nghiên cứu, các đối tác, chuyên gia. Chỉ có như vậy mới đưa ra được các giải pháp mới, mô hình kinh doanh mới, đối tác mới. Quá trình đổi mới sáng tạo cần tìm hiểu thị trường và tìm kiếm xu hướng.
“Cách làm của chúng tôi là lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp và giải pháp hợp lý để giải quyết câu chuyện. Chúng tôi thu thập ý tưởng từ cộng đồng, từ các đối tác tham gia, sau đó đưa ra các giải pháp, điều kiện, ý tưởng thử nghiệm sản phẩm rồi mới đưa ra thị trường. Tôi lấy ví dụ về một tập đoàn đa quốc gia chuyên về sản xuất. Tập đoàn này thay vì tập trung vào R&D thì nhờ đổi mới sáng tạo, họ đã nhanh chóng chuyển sang mô hình tăng trải nghiệm của khách hàng. Tức là, cùng sản phẩm đó nhưng trải nghiệm khách hàng khác thì doanh thu công ty vẫn tăng lên. Thay vì cạnh tranh với đối thủ thì họ chọn cách cùng hợp tác. Kết quả là doanh thu tại các công ty đối tác được thúc đẩy bởi sự đổi mới chung tăng lên 3 tỉ USD, trong đó có tới 35% sản phẩm mới có nguồn gốc ngoài tập đoàn” – bà Hà nói.
“Đổi mới sáng tạo mở sẽ không chỉ một lựa chọn, mà sẽ là một xu thế tất yếu và là một trong những ưu tiên hàng đầu mà doanh nghiệp cần thực hiện để phát triển và tồn tại đến năm 2030” – bà Nguyễn Hương Quỳnh cho biết.
Nguồn: laodong.vn