(FDI Việt Nam) – Chỉ đạt 4% giải ngân trong hai tháng đầu năm, các chủ đầu tư dự án giao thông trọng điểm thuộc Bộ Xây dựng đang phải tăng tốc để hoàn thành mục tiêu giải ngân gần 94.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2025.

Bước chạy đà giải ngân chưa hiệu quả

Dù đã lường một số yếu tố bất lợi có thể xảy ra, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều dự án hạ tầng giao thông do các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2025 vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Theo ông Trần Minh Phương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Xây dựng), tính đến hết tháng 2/2025, Bộ Xây dựng mới giải ngân khoảng 3.188 tỷ đồng vốn đầu tư (đạt khoảng 4%).

“Công tác giải ngân 2 tháng đầu năm chậm, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (trung bình cả nước giải ngân 7,6%) và thấp hơn cùng kỳ năm 2024 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối, bởi cùng kỳ năm 2024, các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công giải ngân khoảng 6.500 tỷ đồng, đạt 9%”, ông Phương cho biết.

giải ngân tại các dự án giao thông trọng điểm
Đến hết tháng 2/2025, các dự án cao tốc Bắc – Nam giải ngân 1.755 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch năm.

Mặc dù là nhóm dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhất của Bộ Xây dựng, nhưng trong 60 ngày qua, 12 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 mới chỉ giải ngân được 1.755 tỷ đồng, tương đương 5% trong tổng kế hoạch vốn 34.971 tỷ đồng của cả năm 2025. Con số này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2024, khi mức giải ngân đạt 4.300 tỷ đồng, tương ứng 10%.

Điều đáng lo ngại là nhiều dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 dù được phân bổ nguồn vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân trong hai tháng đầu năm 2025 vẫn thấp hơn mức trung bình của Bộ. Cụ thể, dự án Quy Nhơn – Chí Thạnh (do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư) chỉ giải ngân đạt 2%; dự án Vân Phong – Nha Trang (do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư) đạt 2,8%; trong khi dự án Hoài Nhơn – Quy Nhơn (cũng do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư) chỉ đạt 3%…

Tại các dự án cao tốc khác, khối lượng giải ngân mới đạt 413 tỷ đồng trên tổng số 17.163 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công được giao, tương đương 2,4%. Theo đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính, tỷ lệ giải ngân thấp chủ yếu do 6/12 dự án có kế hoạch vốn lớn vẫn chưa triển khai thi công, bao gồm các tuyến như cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, Dầu Giây – Tân Phú, mở rộng cao tốc Bắc – Nam đoạn La Sơn – Hòa Liên, Cao Bồ – Mai Sơn, và tuyến nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.

Trong các nhóm dự án có mức giải ngân thấp, đáng lo ngại nhất là các dự án sử dụng vốn vay ODA, khi mới chỉ giải ngân được 165 tỷ đồng trên tổng số 9.835 tỷ đồng kế hoạch, tương đương 1,7%. Tỷ lệ này chưa bằng 1/4 so với mức giải ngân vốn ODA trong hai tháng đầu năm 2024, vốn đạt 9%.

Hiện tại, trong tổng số 33 dự án, có tới 25 dự án chưa được giải ngân. Nhiều dự án được phân bổ kế hoạch vốn lớn nhưng tiến độ giải ngân chậm hoặc chưa thực hiện, điển hình như Dự án Kết nối giao thông phía Bắc (do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư) vẫn chưa giải ngân; Dự án Cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư) mới giải ngân 0,2%; Dự án Tân Vạn – Nhơn Trạch (cũng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư) đạt tỷ lệ giải ngân 1,1% so với kế hoạch vốn cả năm 2025.

giải ngân dựa án
Tám dự án hạ tầng giao thông được lên kế hoạch khởi công 2025.

Xốc lại đội ngũ để tăng tốc giải ngân

Ngoài việc một số nhà thầu chưa kịp bắt nhịp thi công sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, còn hai nguyên nhân quan trọng khác khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Xây dựng trong năm 2025 chậm hơn so với thường lệ, đó là diễn biến thời tiết bất thường và tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng phổ biến vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cụ thể, mùa mưa tại khu vực miền Trung – nơi đang triển khai khoảng 10 dự án đường cao tốc – thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, nhưng năm nay mưa kéo dài tới cuối tháng 2. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây lắp của các dự án.

Để đạt được mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khu vực Tây Nam Bộ cần hoàn thành 207 km, trong khi khu vực Đông Nam Bộ cần hoàn thành 187 km. Tổng khối lượng đá cần cung ứng cho các dự án cao tốc tại hai khu vực này ước tính khoảng 8 triệu m³, đảm bảo đủ số lượng và tiến độ theo yêu cầu.

Tính đến đầu tháng 3/2025, các nhà thầu mới chỉ đưa về công trường khoảng 2,4 triệu m3. Khối lượng còn lại cần huy động là xấp xỉ 12 triệu m3, trong đó khối lượng đá đã xác định được nguồn là 3 triệu m3, chưa xác định được nguồn gần 9 triệu m3.

“Nếu không cấp đủ đá dùng để thi công cấp phối base và subbase và bê tông nhựa theo kế hoạch thi công, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoàn thành các tuyến cao tốc trong năm 2025”, một nhà thầu cho biết.

Tại cuộc giao ban tháng 2 của Bộ Xây dựng diễn ra vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh rằng tất cả các dự án giao thông sẽ được triển khai đúng tiến độ, không có trường hợp nào bị trì hoãn. Ông cũng chỉ ra rằng kết quả giải ngân trong hai tháng đầu năm vẫn còn chậm, đây là một vấn đề đáng quan tâm và cần được xem xét nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm này thuộc về tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các chủ đầu tư và ban quản lý dự án.

giải ngân tăng tốc
Tăng tốc để giải ngân tại các dự án giao thoog trọng điểm.

Năm 2025, Bộ Xây dựng được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công là 82.073 tỷ đồng. Trong đó, trước khi hợp nhất, Bộ Giao thông – Vận tải được phân bổ 81.813 tỷ đồng, còn Bộ Xây dựng nhận 260 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ cho phép Bộ Xây dựng kéo dài 5.790 tỷ đồng vốn kế hoạch từ năm 2024 sang 2025, đồng thời phân bổ 6.062 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương các năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ được giao bổ sung nguồn vốn từ phần vượt thu năm 2024 và nguồn trái phiếu chính phủ để triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách.

Như vậy, tổng số vốn của Bộ Xây dựng được giao có thể lên tới hơn 100.000 tỷ đồng (cao nhất trừ trước tới nay), trong khi yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công. “Trong 10 tháng còn lại, bình quân mỗi tháng, các chủ đầu tư phải giải ngân tối thiểu 9.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần khối lượng giải ngân của 2 tháng đầu năm 2025”, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính tính toán.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh rằng các chủ đầu tư cần chấn chỉnh đội ngũ, quán triệt tinh thần và nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Người đứng đầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện giải ngân các dự án. Tỷ lệ giải ngân cuối năm sẽ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo các cơ quan đơn vị”, ông Minh chỉ đạo.

Nguồn: Báo đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *