Động thái mới của Fed giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển “nhẹ gánh” nỗi lo tỷ giá vào năm 2024. Việt Nam cũng sẽ chấm dứt cảnh chính sách tiền tệ đi ngược xu hướng và cắt được nỗi lo tỷ giá tăng mạnh.
Thị trường ‘ăn mừng’ trước động thái của Fed
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% – 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm trở lại đây.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp Fed duy trì lãi suất quỹ liên bang. Lần tăng lãi suất gần nhất của Fed diễn ra vào tháng 7/2023 và là lần tăng thứ 11 trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed bắt đầu từ tháng 3/2022.
Bên cạnh quyết định giữ nguyên lãi suất, Fed cũng phát đi tín hiệu về kế hoạch hạ lãi suất trong năm 2024. Dựa trên báo cáo kinh tế được cập nhật hàng quý, Fed được dự báo sẽ có ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, giảm 0,25 điểm phần trăm mỗi lần. Tiếp đó, lãi suất cũng còn sẽ giảm 4 lần trong năm 2025 với tổng mức giảm 1 điểm phần trăm và 3 lần trong năm 2026 để đưa lãi suất quỹ liên bang về mức 2 – 2,5%.
Những lo ngại về tình trạng lãi suất neo cao trong thời gian dài đã gây áp lực không nhỏ lên thị trường. Trong năm 2023, lãi suất của Fed đã chạm ngưỡng 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua, đẩy chỉ số đồng USD chạm đỉnh 107 điểm. Điều này đã tạo ra nhiều thách thức vĩ mô, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng USD đã chiếm khoảng 88% giao dịch toàn cầu năm 2022. Chính vì thế, khi Fed tăng lãi suất, đẩy giá trị đồng USD lên cao khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia bị mất giá so với đồng USD. Đồng tiền mất giá khiến chi phí nhập khẩu của nhiều quốc gia tăng vọt, đồng thời đặt ra rủi ro dòng vốn tháo chạy và gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế.
Đơn cử như tại Đông Nam Á, đồng USD cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, dẫn tới dòng vốn ngắn hạn chảy khỏi thị trường và làm suy yếu các đồng nội tệ ở khu vực này. Tính từ đầu năm đến nay, đồng Ringgit của Malaysia và đồng Baht của Thái Lan là hai đồng tiền mất giá mạnh nhất so với USD với mức giảm tương ứng là 6,9% và 4,4% (tính đến ngày 13/10). Đồng VNĐ của Việt Nam cũng giảm 3,4% so với USD.
Chính vì thế, sau khi Fed phát đi tín hiệu về những đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, thị trường đã có những phản hồi lạc quan.
Ngay sau cuộc họp vừa qua của Fed, chỉ số đồng USD giảm đáng kể trong khi chứng khoán Mỹ và châu Á đồng loạt bật tăng.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023. Chỉ số đồng USD giảm 0,6% ngay sau tuyên bố của Fed và hiện đang ở mức thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây.
Chỉ số Dow Jones tăng 1,4%, đóng cửa ở mức 37.090,24 và vượt qua mức cao kỷ lục trước đó là 36.799,65 đạt được gần hai năm trước. S&P 500 tăng 1,4% và Nasdaq cũng tăng 1,4% khi Phố Wall ăn mừng thông báo của Fed.
Việt Nam chuyển hướng thế nào?
Chính sách tiền tệ của Việt Nam đã đi ngược xu thế chung ngay từ những ngày đầu Fed tăng lãi suất quỹ liên bang trong năm nay.
Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt hạ lãi suất điều hành với mức giảm 0,5% – 2%/năm. Chênh lệch giữa chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam, và chính sách “diều hâu” duy trì lãi suất cao của Fed đã tạo ra một khoảng cách nhất định, khiến tỷ giá USD/VND neo cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND chủ yếu “đi ngang” nhưng sau khi Fed nâng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp tháng 7 thì tỷ giá USD/VND đã bật tăng mạnh. Đến ngày 26/9, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.076 đồng/USD, quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử. Chỉ trong gần 3 tháng, tỷ giá USD/VND đã tăng 1,15%. Tính đến nay, tỷ giá đã tăng hơn 3% so với hồi đầu năm.
Tuy nhiên, sau quyết định mới nhất của Fed, tỷ giá USD/VND đã bắt đầu hạ nhiệt và quay về ngưỡng ổn định. Vào sáng 14/12, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm, từ 20 – 30 đồng/USD vào dao động ở mức 24.060 đồng/USD chiều mua vào và 24.430 đồng/USD chiều bán ra.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, quyết định của Fed sẽ là tin tốt cho cả nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Việc Fed cắt giảm lãi suất đồng nghĩa với đồng USD xuống giá, từ đó giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế Mỹ từng bước tăng trưởng trở lại. Khi thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới này phát triển, dòng hàng hóa của nhiều nước như Việt Nam vào thị trường này cũng lớn hơn, giúp khơi thông xuất khẩu. Song song với đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng không còn.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng động thái giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2023 của Fed và các lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 tới sẽ là bước đệm giúp các ngân hàng trung ương trên thế giới có dư địa mạnh tay để tiếp tục giảm lãi suất điều hành.
Đối với Việt Nam, điều này giúp Ngân hàng Nhà nước duy trì mức lãi suất thấp, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá cũng như giảm chi phí huy động vốn và chi phí lãi vay của doanh nghiệp giảm. Chưa kể, chính sách tiền tệ năm 2024 của Fed cũng có thể giúp dòng tiền đầu tư quay trở lại các thị trường mới nổi, đang phát triển dưới cả dạng trực tiếp và gián tiếp.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, các chuyên gia của VIS Ratings cho rằng việc các ngân hàng trung ương, trong đó có Fed, phát đi tín hiệu sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ và nới lỏng lãi suất sẽ góp phần ổn định môi trường lãi suất ở Việt Nam. Áp lực tỷ giá dự báo cũng sẽ được kiểm soát tốt hơn khi dòng vốn FDI và kiều hối đổ về mạnh mẽ.
Nguồn: vietnamfinance.vn