Năm 2023, Bình Định không có dự án điện mặt trời nối lưới được triển khai đầu tư xây dựng mới cũng như không có dự án điện mặt trời nối lưới đăng ký đầu tư mới.
UBND tỉnh Bình Định vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về hoạt động đăng ký đầu tư và triển khai thực hiện dự án điện mặt trời và điện gió.
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh không có dự án điện mặt trời nối lưới được triển khai đầu tư xây dựng mới cũng như không có dự án điện mặt trời nối lưới đăng ký đầu tư mới được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Địa phương chỉ có 1 nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp là Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ giai đoạn 2, với công suất 114 MWp do Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành phát điện.
Đối với dự án điện gió, trong 6 tháng cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định không có dự án điện gió được triển khai đầu tư xây dựng, đồng thời không có dự án đăng ký đầu tư mới được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Quy mô công suất các loại hình nguồn điện phân bổ cho tỉnh Bình Định (tại Tờ trình số 7146/TTr-BCT, ngày 12/10/2023) của Bộ Công thương về việc đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, mức phân bổ tăng thêm trong dự thảo đối với điện gió trên bờ là 173 MW (công suất lũy kế đến năm 2022 là 77 MW), điện mặt trời mái nhà là 38 MW (không có điện mặt trời nối lưới).
Trước đó vào ngày 24/12/2023, UBND tỉnh Bình Định từng đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa các dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh vào danh mục các dự án nguồn điện phát triển trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Tổng công suất các dự án này là 7.300 MW (gồm 2 dự án trong giai đoạn đến năm 2030 có tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, 6 dự án trong giai đoạn sau năm 2030 với tổng công suất 6.100 MW).
Giải thích về đề xuất này, UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương có lợi thế với bờ biển dài 134km, có tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều nhà đầu tư có năng lực về tài chính và kinh nghiệm đăng ký đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.
Đặc biệt là Tập đoàn PNE (trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức) đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi (Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu) với quy mô công suất 2.000MW, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn gồm giai đoạn 1 (Dự án Hòn Trâu 1), công suất 700 MW, dự kiến đưa vào vận hành phát điện trước năm 2030; giai đoạn 2 (Dự án Hòn Trâu 2), công suất 700 MW, dự kiến đưa vào vận hành phát điện năm 2032; giai đoạn 3 (Dự án Hòn Trâu 3), công suất 600 MW, dự kiến đưa vào vận hành phát điện năm 2035.
“Đây là dự án động lực của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương”, UBND tỉnh Bình Định khẳng định.
Nguồn: baodautu.vn