Ngày 12/1/2024, cả Mỹ và Trung Quốc đều công bố số liệu CPI tháng 12/2023. Hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang đi về hai hướng khác nhau: lạm phát và giảm phát; nhưng cả hai hướng đều sẽ tác động tiêu cực với kinh tế thế giới nói chung và với nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong năm 2024…Tạo ra trạng thái ngược chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm đảo chiều lãi suất đã bắt đầu ảm đạm sau khi số liệu lạm phát tháng 12/2023 được công bố. Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 so cùng kỳ năm 2022 đã đánh dấu mức tăng 3,4%; cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Vấn đề ở chỗ, mức tăng trở lại của lạm phát ở Mỹ đã cao hơn so với kỳ vọng thị trường là 3,2% và khá xa so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
MỸ: LẠM PHÁT NÓNG TRỞ LẠI, FED CHẬM ĐẢO CHIỀU LÃI SUẤT?
Giải thích mức lạm phát tăng cao trở lại, cơ quan thống kê của Mỹ cho rằng do giá năng lượng tháng 12/2023 chỉ giảm 2%, mức giảm ít so với tháng 11/2023 là 5,4%. Tỷ lệ lạm phát lõi (core inflation), đã trừ đi năng lượng và lương thực, so với cùng kỳ năm 2022 giảm xuống 3,9%, dưới mức 4% của giai đoạn trước nhưng cao hơn kỳ vọng (3,8%) (theo tradingeconomics).
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7%, thấp nhất kể từ thập kỷ 1960 (thế kỷ XX) và đà giảm tốc của lạm phát đã làm thị trường dấy lên hy vọng Fed sẽ đảo chiều chính sách sớm hơn vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 54 năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng cao hơn vào tuần trước, từ 189.000 lên 214.000.
Hiện tại, phỏng vấn của Reuters với các nhà kinh tế cho thấy kỳ vọng xấu hơn: các nhà kinh tế tin rằng Fed sẽ kéo dài thời gian trước khi đảo chiều chính sách lãi suất, có thể vào tháng 5 hoặc tháng 6/2024 (chứ không thể vào tháng 3/2024 như kỳ vọng trước đó), số lần giảm lãi suất trong năm 2024 cũng ít hơn. Trong một kịch bản giả định xuất hiện các cú sốc cực đoan, chiến lược gia kinh tế của Bank of America thậm chí còn cảnh báo viễn cảnh tăm tối hơn: “năm 2024, nhóm 10 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới (gồm cả Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất”, theo Market Watch.
Cấu trúc giá cả tạo nên lạm phát của Mỹ cho thấy lạm phát lõi (đã loại bỏ giá năng lượng và lương thực) luôn cao hơn lạm phát tổng thể, tốc độ giảm lạm phát lõi hết sức chậm chạp. Giá cả hàng hóa thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới. Nói cách khác, lạm phát giá năng lượng, lương thực giai đoạn 2020 -2021, chi tiêu công tăng vọt cũng như lạm phát giá do tiền rẻ (sau hàng thập kỷ lãi suất thấp) đã ngấm vào mặt bằng giá tiêu dùng. Nguyên nhân thực sự của lạm phát ở Mỹ có nguồn gốc từ nội tại nền kinh tế – tài chính chứ không chỉ từ đứt gãy chuỗi cung ứng hay xung đột địa kinh tế – chính trị gia tăng khiến giá dầu thô khó giảm như nhiều chính khách và nhà kinh tế đã giải thích.
Các con số trên cũng cho thấy lạm phát ở Mỹ dễ dàng bị tác động tiêu cực trở lại bởi giá dầu thô. Giá dầu thô thế giới luôn chịu tác động bởi xung đột địa chính trị và đối đầu giữa phương Tây – Nga và Trung Đông. Xung đột vũ trang ở Trung Đông (Israel – Hamas, Palestine – Iran) đang có xu hướng lan rộng, trong khi cuộc chiến Nga – Ukraine chưa tới hồi kết thúc. Các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào phiến quân Houthi đã khiến công ty dầu mỏ Shell PLC SHEL của Anh tạm ngừng vận chuyển các chuyến hàng qua Biển Đỏ.
Quan trọng hơn, khối Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga (OPEC+) theo đuổi chiến lược giữ giá dầu thô để phục vụ mục tiêu sinh lời cũng như đảm bảo nguồn ngoại tệ cho Nga trong bối cảnh chiến tranh kéo dài và trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Tháng 12/2023, khối OPEC tuyên bố tiếp tục cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày, điều này chặn lại đà giảm giá dầu thô do cầu toàn thế giới suy yếu. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ suy giảm mạnh kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2020, giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Không chỉ dầu thô, tăng trưởng tiền lương của Mỹ bất ngờ tăng mạnh tới 0,4% trong tháng 12/2023 (so với tháng 11/2023) và tăng ở mức 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiền lương của Mỹ bất ngờ tăng được mô tả là như “một viên than hồng còn sót lại có thể khơi dậy lạm phát”, theo Brent Schutte, Giám đốc đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management Co.
TĂNG TRƯỞNG THIẾU BỀN VỮNG, BẤT ỔN TÀI CHÍNH GIA TĂNG
GDP của Mỹ phục hồi trở lại trong năm 2023, ước tính ở mức 2,5%, cao hơn mức tăng 1,9% vào năm 2022 và thấp hơn một chút so với dự báo 2,6% của Fed. Các số liệu cho thấy mức lãi suất chính sách cao của Fed đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng mức thiệt hại ít nghiêm trọng hơn dự đoán ban đầu do thị trường việc làm mở rộng đã hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng. Dòng vốn từ nhà đầu tư ngoại đã chậm lại, chỉ tăng 4,4% (năm 2023), thấp hơn so với 5,2% (năm 2022). Đầu tư của dân cư (là người Mỹ) giảm mạnh trong năm 2023, giảm 10,7% (năm 2022 khoản đầu tư này giảm 9% so cùng kỳ). Ngoài ra, xuất khẩu tăng chậm lại (2,7%), trong khi nhập khẩu thậm chí giảm 1,7.
Cơ cấu tăng trưởng cho thấy chi tiêu công (đang là động lực tăng trưởng của Mỹ) vốn không bền vững, trong khi chi tiêu và đầu tư tư nhân (cả trong và ngoài nước) đã chậm lại hoặc bị thu hẹp. Nếu lạm phát không giảm như kỳ vọng, các yếu tốt thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Mỹ như đầu tư tư nhân, tiêu dùng, niềm tin kinh doanh có thể bị suy giảm, làm xói mòn tăng trưởng tương lai.
Nhưng ở Mỹ, vấn đề mấu chốt không phải là phục hồi tăng trưởng còn thiếu bền vững mà là chính sách lãi suất chưa thể đảo chiều khiến thị trường tài chính rủi ro hơn bao giờ hết. Điều kiện tài chính thắt chặt quá lâu khiến chất lượng tài sản tài chính suy giảm nhanh chóng. Hậu quả là số doanh nghiệp “xác sống”, doanh nghiệp phá sản tăng vọt, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ. Các gói nới lỏng định lượng (QE) 1, 2 và 3 của Fed nhắm vào mua trái phiếu doanh nghiệp đã thúc đẩy thị trường này mở rộng.
Năm 2019, lượng trái phiếu “rác” (xếp hạng BBB trở xuống, còn gọi là hạng đầu cơ) chiếm 53% lượng trái phiếu đầu tư (xếp hạng tốt hơn BBB). Theo một báo cáo của S&P Rating, chỉ riêng lượng trái phiếu BBB này có 1,9 nghìn tỷ USD đáo hạn vào năm 2023. Đến hết quý 3/2023, Mỹ vỡ nợ trái phiếu 47,8 tỷ USD, cao gấp 3,4 lần năm 2021 (13,9 tỷ USD). Theo dự báo của Credit Benchmark, tỷ lệ vỡ nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu cơ của Mỹ và Anh dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất vào quý 3/2024. Trong đó, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu cơ của Mỹ là 4,4% năm 2024 (dự báo S&P gần đây đã được điều chỉnh lên 4,5% so với mức 3,2% hiện tại%), (theo: The Ratings View: Sep 7, 2023 | S&P Global Ratings)
Việc Fed chưa thể sớm đảo chiều lãi suất chính sách đang tăng áp lực bán tháo lên các lớp tài sản tài chính mà các ngân hàng thương mại, quỹ tài chính đang nắm giữ. Tình trạng giống như vụ phá sản của Ngân hàng thung lũng Silicon hồi tháng 3/2023 hoặc Credit Suisse có thể tiếp diễn. Mỹ và các nền kinh tế khắp toàn cầu đều đang đối mặt với khối nợ kỷ lục, ở cả khu vực công và tư.
Lãi suất đồng USD đã cao nhất trong 25 năm qua sau 13 lần Fed liên tiếp tăng lãi suất. Lãi suất không giảm và lạm phát dai dẳng có thể trở thành tàn lửa thổi bùng lên khủng hoảng tài chính vốn đang âm ỉ nóng. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (kỳ hạn 10 năm trừ đi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm) đã đảo chiều từ giữa năm 2022 (khi Fed bắt đầu tăng lãi suất). Trong lịch sử, bất kỳ khi nào lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo chiều, một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xuất hiện sau đó. Chỉ số này chưa từng dẫn báo sai hoặc bỏ lỡ bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào ở Mỹ.
Nhưng dù sao, vấn đề của Mỹ là ở thì tương lai. Mỹ tiếp tục giảm lạm phát từ từ, các rủi ro của kinh tế Mỹ cũng dần tăng theo đà xử lý lạm phát của Fed. Bởi vậy, Mỹ còn sức mạnh tiêu dùng, sức mạnh đồng USD thống trị toàn cầu, sức mạnh từ ngành vũ khí, công nghệ cao, nguồn tài nguyên dồi dào (năng lượng),.. để dần dần thu xếp và ứng phó với các vấn đề của họ. Trung Quốc không có nhiều lợi thế như thế trong khi các vấn đề của Trung Quốc rủi ro và khó khăn hơn nhiều. Trung Quốc thực sự là bài toán khó giải và trực tiếp tác động sâu sắc tới tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính của Việt Nam.
TRUNG QUỐC: NAN GIẢI VẤN ĐỀ GIẢM PHÁT
Nếu lạm phát được ví như cơ thể kinh tế lên cơn sốt thì giảm phát có thể đẩy nền kinh tế rơi vào trạng thái đóng băng. Khi giá cả giảm, tài sản lập tức giảm khiến phản ứng của hộ gia đình là thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất do cầu sụt giảm. Lý thuyết kinh tế và thực tiễn đều chứng minh rằng các phương pháp kích thích của chính phủ làm nóng lại nền kinh tế trong trường hợp giảm phát là rất khó khăn, cần nhiều thời gian và một chương trình tái cấu trúc tổng cung, tái cấu trúc thể chế mạnh mẽ.
Trong khi hàng loạt nền kinh tế đối mặt với tình trạng lạm phát cao thì Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát từ tháng 7/2023. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã giảm 0,3% so với cùng kỳ vào tháng 12 sau khi giảm 0,5% trong tháng 11, CPI hàng năm vẫn ở mức 0,2%, mức thấp nhất trong 13 năm. Theo Brooks (2022), giảm phát có thể xuất phát từ một hoặc một số trong bốn nguyên nhân, nền kinh tế Trung Quốc có cả bốn nguyên nhân này.
Thứ nhất, người tiêu dùng giảm chi tiêu bởi vì họ kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm hoặc đơn giản là người tiêu dùng mất niềm tin vào môi trường kinh tế vĩ mô, họ tiết kiệm chi tiêu để đảm bảo an ninh kinh tế trong tương lai cho bản thân và gia đình. Điều này đặc biệt đúng khi tình trạng tiêu dùng trong nước suy yếu kèm theo thất nghiệp gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ trong độ tuổi 16-24 ở mức 14,9 trong tháng 12/2023. Con số này là đã lên mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023…
Nguồn: vneconomy.vn